Kể từ ngày 01/01/2024, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) chính thức kết nạp thêm 5 thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả-rập Xê-út và Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất.
Sự ra đời của Nhóm BRICS mở rộng, hay được gọi là BRICS+, cho thấy sức mạnh đoàn kết của BRICS và các nước đang phát triển,_ cũng như quyết tâm hợp tác vì tương lai tốt đẹp hơn.
Đây là lần mở rộng đầu tiên của BRICS kể từ năm 2010. Theo Tổng thống Nam Phi  Cyril Ramaphosa, BRICS+ là “sự hợp tác của các quốc gia bình đẳng, có quan điểm khác nhau nhưng có tầm nhìn chung để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.” Còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì cho rằng việc mở rộng trên thể hiện quyết tâm của BRICS trong việc đoàn kết và hợp tác với các nước đang phát triển khác, đáp ứng mong đợi của cộng đồng quốc tế và phục vụ lợi ích chung của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.
Giới chuyên gia cho rằng các quốc gia thành viên BRICS+ tuy khác nhau về mức độ giàu có, phát triển xã hội và khoa học, nhưng có một điểm chung là tốc độ phát triển kinh tế cao. Với các thành viên vừa kết nạp, BRICS+ sẽ chiếm khoảng 37% GDP toàn cầu theo sức mua tương đương và 46% dân số thế giới.

 

BRICS mở rộng – động lực mới cho cơ chế đa phương
“Thật rõ ràng, Ethiopia sẽ được hưởng lợi từ nguồn đầu tư phát triển dồi dào từ các nước BRICS+. Đổi lại, Ethiopia cũng có những thế mạnh và tiềm năng thúc đẩy sự thịnh vượng chung của nhóm.”
“Cơ chế hợp tác của BRICS sẽ mang đến nhiều lợi ích cho Ai Cập khi gia nhập, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tăng cường sức ảnh hưởng trên trường quốc tế, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa các nước trong nhóm.”


BRICS+ quy tụ các quốc gia chiếm 80% sản lượng dầu mỏ thế giới, đưa nhóm này trở thành một trong những khối dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu. Đồng thời, BRICS+ cũng bao gồm những nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới. Đây được kỳ vọng là điểm tích cực để BRICS+ có thể đưa ra những chiến lược khai thác và sử dụng năng lượng ổn định, bền vững, vì sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.
Theo giới chuyên gia, với việc BRICS mở rộng, cán cân kinh tế toàn cầu đang dần dịch chuyển từ các nền kinh tế phát triển sang các nền kinh tế mới nổi, phản ánh xu thế hướng tới một thế giới đa cực, qua đó tăng cường vai trò của các nước đang phát triển trong trật tự thế giới mới.

Thuận Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *