Ngày 14/11/2023 là ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường. Chủ đề của ngày này năm nay là “Hiểu nguy cơ, Biết hành động” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết nguy cơ của bệnh tiểu đường để giúp phòng và trì hoãn bệnh tiến triển. Ở bệnh nhân tiểu đường và tiền tiểu đường, tình trạng lượng đường trong máu cao hơn bình thường kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến chức năng của những cơ quan khác trong cơ thể và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó đau tim thầm lặng là nguy hiểm nhất, vì thường tiến triển âm thầm song có nguy cơ gây tử vong cao.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, mức đường huyết cao ở những người mắc bệnh tiểu đường có thể làm hỏng các mạch máu và các dây thần kinh điều khiển tim. Những bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc đột quỵ cao gấp đôi so với những người không mắc bệnh tiểu đường.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường
Không riêng bệnh nhân tiểu đường mà những người có lượng đường trong máu cao hơn bình thường cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Các nhà khoa học làm việc tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ Luân Đôn ở Anh đã kiểm tra hồ sơ của 420.000 người trong kho lưu trữ mẫu sinh học UK Biobank. Nhóm nghiên cứu đã theo dõi dữ liệu sức khỏe của những người này, trong đó có những người không có tiền sử bệnh tim, trong 15 năm. Kết quả cho thấy những người đàn ông bị tiền tiểu đường, tức có lượng đường trong máu cao nhưng dưới ngưỡng được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 30%. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn đối với phụ nữ. Những phụ nữ không mắc bệnh tiểu đường nhưng có lượng đường trong máu cao có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 50%.
“Nguy cơ về bệnh tim mạch xuất hiện ở cả nam và nữ có lượng đường trong máu cao dưới ngưỡng được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Điều này khiến chúng tôi băn khoăn liệu có nên sửa đổi điểm đánh giá lâm sàng đang được sử dụng để xác định ai đó có mắc bệnh tiểu đường hay không.”
Theo các chuyên gia, đối với những người mắc bệnh tiểu đường, việc giúp bệnh nhân kiểm soát tốt đường huyết và tránh nhiều biến chứng nguy hiểm của bệnh là rất cần thiết.
“Hiểu rõ về bệnh tiểu đường là sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất, vì khi bệnh nhân hiểu rõ về căn bệnh này thì sẽ tạo nên sự khác biệt trong điều trị bệnh.”
Đối với những người chưa mắc bệnh tiểu đường song có những yếu tố nguy cơ như có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, có lối sống ít vận động hoặc bị thừa cân, thì nên thường xuyên sàng lọc và thay đổi lối sống.
“Lợi ích của việc nhận biết ai đó có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường là có thể chủ động sàng lọc và phòng ngừa bằng cách giảm cân, tăng cường hoạt động thể chất”.
Thái Kim