Thưa quý vị và các bạn! Ngày 03/3 hàng năm được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chọn là Ngày Thế giới Bảo vệ động, thực vật hoang dã, nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về vai trò quan trọng của động, thực vật hoang dã đối với sức khỏe của hành tinh, đồng thời kêu gọi sự chung tay hợp tác của các chính phủ, tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn động, thực vật hoang dã. Trước tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, các nhà khoa học cảnh báo khoảng 60% thực vật và 50% động vật hoang dã có nguy cơ biến mất khỏi hàng chục điểm nóng trên toàn cầu vào năm 2100. Hiện một số quốc gia đang áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để bảo tồn và khôi phục những quần thể động vật hoang dã, góp phần duy trì cân bằng sinh thái và phát triển bền vững.
Ở khu vực phía Nam Na Uy, loài cáo tuyết Bắc Cực gặp nhiều khó khăn trong việc tìm thức ăn. Biến đổi khí hậu khiến con mồi của cáo tuyết là chuột lemming và các loài gặm nhấm khác dần trở nên khan hiếm hơn. Vì vậy, các nhà khoa học đã triển khai nhân giống cáo tuyết trong điều kiện nuôi nhốt, đồng thời duy trì hơn 30 trạm cung cấp thức ăn cho chúng ở các khu vực núi cao. Đây là một phần trong chương trình do chính phủ Na Uy tài trợ, nhằm khôi phục quần thể cáo tuyết Bắc Cực, với chi phí hàng năm lên đến 300.000 đô la Mỹ.

Bảo tồn động vật hoang dã trước biến đổi khí hậu
“Mục đích của trạm nhân giống là tạo ra những con non, và chúng sẽ được nuôi dưỡng trong môi trường nuôi nhốt. Sau khi trưởng thành, chúng sẽ được thả ra ngoài tự nhiên, hòa nhập vào nhiều quần thể khác nhau.”
Kể từ năm 2006, chương trình này đã giúp tăng số lượng cáo tuyết Bắc Cực từ mức 40 con ở Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển lên hơn 500 con trên khắp vùng Scandinavia ngày nay.
Tại châu Phi, hươu cao cổ từng sinh sống ở 25 quốc gia, thế nhưng thời gian gần đây số lượng cá thể hươu cao cổ đã sụt giảm mạnh. Biến đổi khí hậu được xem là nguyên nhân làm thay đổi môi trường sống của hươu cao cổ, khiến số lượng cá thể loài này giảm dần.
“Mùa khô ngày càng dài hơn mùa mưa, khiến hươu cao cổ phải di cư đến những khu vực có con người sinh sống, dẫn đến sự xung đột giữa con người và động vật hoang dã.”
Trong nỗ lực bảo vệ số lượng hươu cao cổ đang sụt giảm tại Kenya, các nhân viên tại Khu bảo tồn quốc gia Maasai Mara đã gắn thiết bị định vị toàn cầu GPS vào 25 cá thể hươu cao cổ tại đây.
“Các thiết bị theo dõi GPS có thể hỗ trợ chúng tôi giám sát đường đi của chúng trong quá trình di cư. Cơ quan chức năng sẽ dựa vào đó để tìm giải pháp phù hợp bảo vệ chúng”.

Thái Kim

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *