Các nhà khoa học Ấn Độ mới đây đã phát triển một loại kháng thể nhân tạo có thể giải nọc độc của nhiều loài rắn hổ. Nghiên cứu hướng tới sản xuất một loại thuốc giải an toàn và hiệu quả hơn nhằm ứng phó với nhiều loài rắn độc khác nhau.
Ấn Độ phát triển kháng thể nhân tạo giải nọc độc rắn hổ
Theo nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Ấn Độ, nọc độc của các loài rắn hổ chủ yếu là chất độc thần kinh. Nhóm đã phát triển kháng thể nhân tạo nhằm trung hòa chất độc thần kinh này.
Nhóm nghiên cứu đã trộn kháng thể nhân tạo với nọc độc của rắn cạp nia Bắc và tiêm vào chuột. Kết quả cho thấy những con chuột đều sống sót và khỏe mạnh. Thử nghiệm đối với nọc độc của rắn hổ đất Ấn Độ và rắn mamba đen châu Phi đều cho kết quả tương tự. Hiệu quả bảo vệ của kháng thể nhân tạo cũng cao hơn tới 15 lần so với các loại kháng thể được sản xuất theo phương pháp truyền thống hiện nay.
Hiện, phương pháp sản xuất thuốc giải nọc rắn chủ yếu là dùng nọc độc của rắn để tiêm vào động vật, thường là ngựa hoặc lừa, để cơ thể chúng sản xuất kháng thể.
Với kháng thể nhân tạo, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một loại thuốc giải hoàn toàn thân thiện với con người và không có nguy cơ gây dị ứng. Hiện nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch thử nghiệm trên người trong thời gian tới.
Đức Tài