Dịch vụ giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) mới đây cho biết thế giới vừa trải qua tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay, đánh dấu nửa đầu năm 2024 đầy biến động với những hiện tượng thời tiết cực đoan từ lũ lụt đến hạn hán xảy ra trên khắp hành tinh.
Ảnh minh họa
Theo Dịch vụ giám sát biến đổi khí hậu Copernicus, kể từ tháng 6/2023, thế giới đã trải qua 13 tháng liên tiếp có nhiệt độ trung bình hằng tháng cao nhất lịch sử. Trong tháng 6 vừa qua, nhiệt độ trung bình toàn cầu là 16,66 độ C, cao hơn 0,67 độ C so với mức trung bình của tháng 6 trong 30 năm qua. Dữ liệu mới nhất cho thấy năm 2024 có thể vượt qua năm 2023 trở thành năm nóng nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi chép.
Dịch vụ giám sát biến đổi khí hậu Copernicus nhấn mạnh đây không chỉ là những số liệu thống kê đơn thuần mà còn là lời cảnh báo về biến đổi khí hậu. Nửa đầu năm nay, Trái Đất đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục bao trùm nhiều khu vực trên thế giới, từ Ấn Độ (châu Á), Ả-rập Xê-út (Trung Đông) đến Mỹ và Mexico. Trong khi đó, mưa lớn kéo dài đã gây ra lũ lụt trên diện rộng ở nhiều quốc gia như Kenya, Trung Quốc, Brazil. Tuần trước, bão Beryl đã trở thành cơn bão Đại Tây Dương cấp 5 sớm nhất từng được ghi nhận khi quét qua một số đảo ở Caribe.
Hiện cơn bão này đang uy hiếp một số khu vực ở Mỹ. Các hãng hàng không đã hủy hàng trăm chuyến bay và chính quyền đã ra lệnh sơ tán một số thị trấn ven biển./.
Bảo Ngọc