Tận dụng những mảnh rác nhựa thu gom trên bãi biển gần nhà, một nghệ nhân Nhật Bản đã làm ra những bộ móng tay giả với màu sắc, hoa văn độc đáo. Công việc của chị vừa có thể giúp mọi người làm đẹp, vừa góp phần nâng cao nhận thức về môi trường.
Chị Naomi Arimoto đang ngồi trên bãi biển Chigasaki, thuộc tỉnh Kanagawa. Sau khi phát hiện miếng nhựa xanh mỏng trên nền cát mịn, chị nhanh chóng nhặt lên, thả vào rây để mang về xử lý.
Nghệ nhân Naomi Arimoto chia sẻ:
“Đây là một mảnh rác từ cỏ nhân tạo,thường thấy trong các khu vườn ở Nhật Bản. Có rất nhiều những thứ như thế này ở xung quanh đây.”
Chị Naomi Arimoto thường đến bãi biển gần nhà ở phía Nam thủ đô Tokyo này mỗi tháng để thu nhặt những mảnh rác nhựa nhỏ vụn mà các công nhân vệ sinh có thể bỏ sót, nhằm tái chế thành những vật trang trí móng tay giả. Nghệ nhân làm móng 42 tuổi này đã nảy ra ý tưởng tái chế rác biển sau khi tham gia vào các hoạt động cộng đồng dọn rác dọc theo các bờ biển ở Nhật Bản.
Nghệ nhân Naomi Arimoto cho biết thêm:
“Tôi đã tận mắt chứng kiến lượng rác thải nhựa trôi nổi trên đại dương. Tình trạng thật kinh khủng!”
Nghệ nhân Naomi Arimoto đã mở một tiệm làm móng tại nhà vào năm 2018 sau khi buộc phải từ bỏ công việc trong nhóm công tác xã hội do mắc bệnh về cột sống và bị liệt phần thân dưới. Năm 2021, chị bắt đầu sử dụng Umigomi (hay rác biển) để sáng tạo những bộ móng giả nghệ thuật. Quyết định này của chị đã được chồng, cùng 2 con gái, ủng hộ và hỗ trợ hết mình.
Để biến rác biển thành những thứ hữu ích, chị Naomi Arimoto rửa sạch chúng rồi phân loại theo màu sắc. Sau đó, chị cắt nhựa thành những mảnh nhỏ, nấu chảy để tạo thành những vật trang trí có thể gắn vào móng tay giả.
Nghệ nhân Naomi Arimoto truyền cảm hứng:
“Tôi hy vọng rằng, khi mọi người nhìn thấy những thứ này trên đầu ngón tay của mình, họ sẽ thích chúng, đồng thời nhận thức rõ hơn về vấn đề môi trường.”
Theo ước tính của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế,  có khoảng 20 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường mỗi năm, gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe của con người và môi trường.
Theo nghệ nhân Naomi Arimoto thì:
“Rác thải nhựa trên đại dương là một vấn đề cấp bách mà tất cả mọi người trên thế giới đều cần phải nhận thức và chung tay hành động, chứ không thể giải quyết một mình.”
Hiện giới chức nhiều nước đang kỳ vọng có thể đạt được hiệp ước mang tính bước ngoặt, đặt ra giới hạn toàn cầu về sản xuất đồ nhựa thông qua Hội nghị liên chính phủ về Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa lần thứ 5 (INC-5), dự kiến diễn ra từ ngày 24/11 đến 01/12/2024 ở thành phố Busan, Hàn Quốc, nhằm từng bước đẩy lùi tình trạng ô nhiễm nhựa.

Tường Vân 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *