Văn hóa “Hoesik” với những buổi ăn uống có dùng rượu bia để giao lưu với đồng nghiệp sau giờ làm việc từng rất phổ biến trong văn hóa công sở ở Hàn Quốc nhằm thúc đẩy tinh thần đoàn kết. Nhưng hiện nay văn hóa Hoesik không còn được giới trẻ nước này hưởng ứng bởi sự lo ngại về hệ lụy của tình trạng say xỉn từng phổ biến trước kia. Điều đó dẫn đến sự thoái trào của loại hình giải trí này tại Hàn Quốc.
Đây là những hình ảnh hiện tại ở khu phố Nokdu của thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Nơi này từng là địa điểm tổ chức quen thuộc của những buổi hoesik. Giờ đây không còn nhộn nhịp như trước, đường phố Nokdu trở nên vắng vẻ. Theo Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc, doanh thu của các nhà hàng tại phố Nokdu đã giảm xuống mức kỷ lục vào năm ngoái. Tương tự, số lượng các phòng hát Noraebang, hay phòng hát karaoke, thường là địa điểm được lựa chọn tiếp theo sau các buổi ăn uống cũng giảm mạnh.
Bà Jun Jung-Sook – Chủ một nhà hàng chia sẻ:
“Trước kia con phố này luôn đông đúc, đến mức tôi nhìn thấy toàn là đầu người”
Sự thay đổi này có nguyên nhân từ tình trạng suy thoái của nền kinh tế, người dân Hàn Quốc thắt chặt chi tiêu và các nhân viên đã mạnh dạn hơn khi từ chối tham gia các bữa tiệc giao lưu gần như bất tận, khiến họ không thể dành thời gian cho gia đình, con cái.
Các buổi hoesik thưa thớt dần cũng phần nào phản ánh sự chuyển biến trong văn hóa lao động tại Hàn Quốc. Ngày càng có nhiều người thuộc giới trẻ, nhất là thế hệ genZ, đã lên án mạnh mẽ văn hóa “say xỉn” ăn sâu trong tiềm thức này của người dân xứ Hàn.
Chị Kwon Ga-Eul – Sinh viên trường đại học Sahmyook cho biết:
“Giới trẻ chúng tôi thường có xu hướng chọn những quán cà phê để gặp mặt bạn bè và đã thay rượu bằng những loại thức uống nhẹ nhàng khác. Chúng tôi cũng dành nhiều thời gian trò chuyện với nhau chứ không uống nhiều bia rượu rồi say xỉn như trước kia”.
Viết Khôi