Đến với Bảo tàng Động vật học ở thành phố Cambridge của nước Anh trong những ngày này, khách tham quan có thể trò chuyện với chim dodo hay chim cưu, loài chim đã tuyệt chủng từ thế kỷ 17. Nhờ dự án ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, chim cưu có thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào của khách thông qua ứng dụng trên điện thoại di động.
Theo các nhà khoa học, lần cuối cùng loài chim cưu xuất hiện là vào những năm 1680, trên đảo Mauritius. Tuy nhiên, tại Bảo tàng Động vật học Cambridge, những con chim này đã được “tái sinh” bằng công cụ trí tuệ nhân tạo và thậm chí có thể tương tác với khách tham quan bằng giọng nói như con người. Trong một thử nghiệm, bộ xương của một con chim cưu trưng bày trong bảo tàng đã trả lời câu hỏi về sự tuyệt chủng của loài này.
“Nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khách tham quan có thể hỏi bất cứ điều gì liên quan đến các mẫu vật trưng bày và nhận được câu trả lời ngay lập tức. Việc tương tác với các mẫu vật sẽ giúp cho trải nghiệm tham quan tại bảo tàng trở nên sống động và chân thực hơn.”
Ngoài chim cưu, còn có 12 loài động vật khác được cho góp mặt vào dự án và mỗi loài đều có “giọng nói” riêng biệt. Những “giọng nói” này do /Nây-chơ Pơ-xpec-tiux/ Nature Perspectives, một công ty về công nghệ giáo dục thuộc Đại học Cambridge, phát triển. Thử nghiệm tương tác với các mẫu vật sẽ kết thúc vào ngày 15/11 tới và sau đó, ban quản lý bảo tàng sẽ đánh giá mức độ thành công để xem xét viêc triển khai rộng rãi.
Minh Thái