Khí hậu biến đổi đã khiến các dòng sông băng trên dãy núi Andes ở Nam Mỹ bị thu hẹp từ 30-50% kể từ những năm 1970, một số thậm chí còn có nguy cơ biến mất hoàn toàn trong những năm tới. Đó là kết luận của một cuộc nghiên cứu toàn diện nhất từ trước đến nay về tình trạng băng biến mất trên dãy núi này.
Sông băng trên dãy Andes, một nguồn nước ngọt thiết yếu đối với hàng chục triệu dân Nam Mỹ đang bị thu hẹp với tốc độ nhanh nhất trong vòng 300 năm gần đây. Điều đó đã được kết luận trong một cuộc nghiên cứu được đăng tải hồi đầu năm nay trên Tạp chí Cryosphere. Nhà nghiên cứu Edson Ramirez thuộc Đại học Mayor de San Andres của Bolivia, đồng tác giả cuộc nghiên cứu trên, cho rằng sự thu hẹp này là tổn thất lớn đối với nơi tập trung nhiều sông băng nhất ở vùng nhiệt đới. Ông nói: "Kể từ thập niên 1980 đến nay, chúng ta đã mất 43% trên tổng diện tích sông băng trên núi Cordillera Real."
Các sông băng tại dãy Andes tan chảy quá nhanh trong vòng 300 năm qua – (Ảnh: BBC)
Phát hiện trên được củng cố bằng dữ liệu vệ tinh được chuyển thể thành hình ảnh 3 chiều độ phân giải cao về dãy núi Andes. Giáo sư Ramirez cho biết những bức ảnh này thể hiện rõ sự thu hẹp của sông băng hơn những gì thu thập được trước đây. Điều phối viên Yuko Nakamura thuộc Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cũng theo dõi sự thu hẹp của sông băng trên dãy Andes. Cô cho biết tốc độ thu hẹp đang ngày càng tăng nhanh hơn.
Cuộc nghiên cứu đăng trên Cryosphere cho thấy nhiệt độ bình quân trên dãy Andes đã tăng 0,7 độ C trong vòng 70 năm qua. Sự biến đổi khí hậu như thế đã khiến hệ sinh thái xáo trộn, và hệ quả của nó là nguy cơ thiếu hụt nguồn nước trong khu vực đang ngày càng tăng cao. Nhà nghiên cứu sông băng Wilson Suarez thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia Peru, một trong các đồng tác giả của cuộc nghiên cứu trên, nói: "Những gì chúng ta thấy là tất cả các sông băng ở độ cao 5.100 mét đang bị thu hẹp. Trong vòng 30-40 năm tới, ngay cả sông băng ở độ cao 5.300-5.400 mét cũng sẽ biến mất."
Dĩ nhiên là các sông băng ở độ cao thấp hơn đang có nguy cơ biến mất cao hơn, trong khi đây là nguồn cung cấp nước ngọt chủ yếu của các con sông, suối trong vùng. Do đó, tác động của tình trạng sông băng thu hẹp đối với đời sống người dân trong khu vực là không hề nhỏ. Họ đang phải chuẩn bị để thích ứng với tình trạng khan hiếm nguồn nước.
Phúc Châu