Các nhà bán lẻ cho biết họ chẳng lãi bao nhiêu khi bán đường cát trong lúc chính phủ giữ giá cả thực phẩm ổn định ở mức thấp. Do đó, họ cũng không xin cấp giấy phép để kinh doanh các mặt hàng có trợ giá. Trong khi đó, chính phủ Malaysia mong muốn siết chặt kiểm soát để quản lý hệ thống cung cấp và ngăn ngừa tình trạng khan hàng, vốn đã từng xảy ra ở một số khu vực của nước này. Thông thường các mặt hàng trợ giá luôn khuyến khích tình trạng gian lận thương mại. Do đó, một số tổ chức tiêu dùng cho rằng đã đến lúc người dân Malaysia không nên trông chờ vào đường cát giá rẻ.
Tuy nhiên, Malaysia đã từng trải qua bài học khó khăn vào năm 2008 khi cắt giảm trợ giá nhiên liệu. Khi đó, giá xăng dầu đã tăng đến 40% chỉ sau 1 đêm khiến người dân phản ứng gay gắt. Vì thế chính quyền Kuala Lumpur có vẻ luôn thận trọng mỗi khi tính đến việc bỏ trợ giá đối với bất kỳ mặt hàng nào. Cùng lúc, nước này có vẻ không còn tiếp tục kham nỗi gánh nặng ngân sách để giữ giá cả lương thực và nhiên liệu ổn định ở mức thấp. Năm ngoái, Malaysia đã phải bỏ ra 10 tỷ đôla Mỹ cho các khoản trợ giá.
Tuần trước, chính phủ cho biết sẽ cắt giảm trợ giá dần trong vòng 5 năm và mong muốn nhận được sự thông cảm từ những tầng lớp cần điều đó nhất. Theo giới phân tích, đây không phải là một chính sách dễ dàng bởi vì mức thu nhập của rất nhiều người dân chưa theo kịp đà tăng giá cả nhanh chóng hiện nay.
Vĩnh Thới