Bà Marie Curie và chồng trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Internet

Đến nay đã tròn 100 năm kể từ khi giải Nobel Hóa học được trao lần đầu tiên cho một nhà vật lý và hóa học nữ, đó là bà Marie Curie. Và mới đây, Liên Hiệp Quốc đã xác nhận năm 2011 là năm Quốc tế về Hóa học. Hưởng ứng sự kiện này, nhiều nước trên thế giới như Anh và Trung Quốc đã tổ chức các buổi tọa đàm về hóa học nhằm kêu gọi cộng đồng tham gia nghiên cứu hóa học, đặc biệt là các nhà khoa học nữ.

Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh đã mời các nữ khoa học gia trên thế giới đến thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc tham dự buổi tọa đàm về hóa học cũng như về cuộc đời và sự nghiệp của bà Marie Curie. Tại buổi tọa đàm, Giám đốc điều hành Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh Richard Pike ca ngợi các nhà khoa học nữ đã không ngừng nghiên cứu và chia sẻ các đề tài hóa học phục vụ cho cuộc sống. Nhiều nhà khoa học nữ rất tự hào về những gì bà Marie Curie đã cống hiến cho nền khoa học thế giới trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của bà.

Nhà vật lý và hóa học Marie Curie là người Pháp gốc Ba Lan sinh ngày 7/11/1867 và mất vào ngày 4/7/1934. Bà là người đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về tia phóng xạ và là người đầu tiên nhận hai giải Nobel cao quý trên hai lĩnh vực khác nhau.
 

Năm 1903, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao giải Nobel Vật Lý cho bà cùng với chồng bà là ông Pierre Curie  và cũng trao giải này cho ông Henri Becquerel cho các nghiên cứu về bức xạ. Tám năm sau, năm 1911, bà Marie Curie nhận giải Nobel Hóa học nhờ việc phát hiện nguyên tố kim loại phóng xạ radium và polonium. Thành tựu của bà đã khơi nguồn cho các thế hệ khoa học gia nữ và xóa đi quan điểm thời bấy giờ khi nhiều người cho rằng phụ nữ không thể trở thành nhà khoa học.

Anh Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *