Một nhóm các bác sĩ phẫu thuật người Pháp làm việc tại một bệnh viện ở ngoại ô thủ đô Paris vừa tiết lộ rằng họ đã thành công trong việc nghiên cứu cấy ghép phế quản nhân tạo đầu tiên trên thế giới cho một bệnh nhân 78 tuổi mắc chứng ung thư phổi. Mặc dù ca cấy ghép này được thực hiện cách đây hơn một năm, tuy nhiên các bác sĩ người Pháp phải chờ đến khi có kết quả về sức khỏe của người bệnh mới công bố thành quả này.
Nhóm các bác sĩ phẫu thuật – đứng đầu là Giáo sư Emmanuel Martinod, làm việc tại Bệnh viện Avicence de Bobigny thuộc một vùng ngoại ô Paris – đã tổ chức buổi họp báo để công bố thành quả y học này.
Theo các bác sĩ người Pháp, công trình khoa học trên đã được họ bắt tay vào nghiên cứu kể từ 10 năm qua và ghép phế quản là ca phẫu thuật phức tạp. Thay vì cắt bỏ toàn bộ lá phổi của bệnh nhân bị ung thư, các bác sĩ đã cắt bỏ một phần phế quản của bệnh nhân và thay vào đó bằng một phế quản nhân tạo được làm bằng mô động mạch do một người chết hiến tặng.
Giáo sư Emmanuel Martinod cho biết :
Phế quản nhân tạo này được tạo ra một cách chắc chắn với lớp bên trong được làm bằng kim loại.
Giải pháp ghép phế quản nhân tạo đã mở ra cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư. Sau hơn một năm được phẫu thuật, bệnh nhân này đã hồi phục sức khỏe và không còn gặp khó khăn trong quá trình hô hấp.
Công trình cấy ghép phế quản nhân tạo cũng mở ra hy vọng cứu chữa cho hàng ngàn bệnh nhân bị ung thư phổi mỗi năm ở Pháp. Theo một con số thống kê, mỗi năm tại nước này có từ 1.000 – 2.000 bệnh nhân bị cắt bỏ lá phổi cũng như có tới 29.000 ca tử vong do chứng ung thư phổi gây ra.
Quốc Trung