Khu tự trị Tây Tạng ở Trung Quốc có 60 di sản văn hóa cấp quốc gia và 222 di sản cấp khu vực. Hiện nay chính quyền địa phương khu vực này đang tăng cường hoạt động bảo vệ các di sản văn hóa của khu vực, nhất là các ngành nghề truyền thống.
Khu tự trị Tây Tạng. Ảnh: Internet
Thật ra Khu tự trị Tây Tạng đã bắt đầu dự án bảo vệ di sản vào năm 2005 với tổng chi phí đầu tư lên đến 40 triệu nhân dân tệ.
Nhạc kịch Tây Tạng đã có từ cách đây 600 năm. Nét đặc trưng của loại hình nghệ thuật này là những chiếc mặt nạ sặc sỡ, những bài hát và điệu nhảy đơn giản cùng những trang phục đầy màu sắc. Đoàn nghệ thuật dân gian Xueba Lamu hiện nay có trên 40 nghệ sĩ với tuổi đời từ 18 đến 70. Chính quyền địa phương đã tăng cường gìn giữ loại hình nhạc kịch truyền thống của người Tây Tạng từ 5 năm qua, họ đã chi 10 triệu nhân dân tệ riêng để hỗ trợ hoạt động của các đoàn nghệ thuật địa phương cũng như việc phát hành sách và video giới thiệu.
Ông Nema Tsering là một người Tây Tạng đã gắn bó với nghề làm nhang trên 20 năm nay. Xưởng sản xuất của ông nằm ở Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng. Ông cho biết: “ Nghề làm nhang của người Tây Tạng đã được 1.300 năm lịch sử. 32 loại thảo mộc đã được chọn, qui trình làm nhang được thực hiện qua 5 công đoạn.”
Nghề làm giấy của người Tây Tạng cũng đang được cải thiện. Các loại giấy ngày nay đều chống được côn trùng , dai,bền. Kỹ thuật mới đang được ghi chép vào một quyển sách để truyền lại cho các thế hệ sau.
Hồng Mẫn