Tốc độ tăng dân số của một quốc gia sẽ kéo theo sự chênh lệch trong thu nhập giữa người dân sống ở thành thị và nông thôn. Ấn Độ là một trong những quốc gia đang phải đối phó với cả hai vấn đề này. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, tại Ấn Độ, mức tiêu dùng của người dân ở các khu vực thành thị cao hơn mức tiêu dùng của người dân ở các vùng nông thôn đến 88%. Làm sao để thu hẹp khoảng cách này vẫn còn là một bài toán chưa có lời giải thỏa đáng.

Một trong những thế mạnh của Ấn Độ nằm ở nhân khẩu học, đó là dân số trẻ. Ảnh minh họa (Internet)

 

Một trong những thế mạnh của Ấn Độ nằm ở nhân khẩu học, đó là dân số trẻ. Sự đông đảo của lực lượng đang trong tuổi lao động là nhân tố giúp kinh tế Ấn Độ phát triển bùng nổ trong thập niên qua. Tuy nhiên, dân số trẻ cũng trở thành thách thức lớn nhất của quốc gia đông dân này. Một cuộc điều tra vừa được thực hiện trên toàn Ấn Độ cho thấy thu nhập của người dân ở các vùng nông thôn chỉ khoảng 20 đô la Mỹ/tháng, và 40% trong số thu nhập này được chi cho việc mua lương thực thực phẩm.

Bức tranh sáng tối trong tiêu dùng ở quốc gia Nam Á này cũng có sự phân biệt rất rõ. Các nhà sản xuất xe hơi sang trọng đang chứng kiến doanh số bán xe hơi của họ tăng hơn 70%. Một cuộc điều tra gần đây cho thấy tiêu dùng ở Ấn Độ và Trung Quốc tăng nhanh hơn Mỹ nhưng dường như chỉ có một phần nhỏ dân số Ấn Độ mạnh tay chi tiêu trong khi phần đông lại sống kham khổ. Vì thế, xóa bỏ khoảng cách chênh lệch trong thu nhập là thách thức lớn nhất ở Ấn Độ.

Ông Bhattacharya, một nhà kinh tế học cho biết: "Dân số trẻ của Ấn Độ vừa là một thuận lợi vừa là một gánh nặng, phụ thuộc vào việc chúng ta áp dụng các chính sách như thế nào. Vào năm 2025, Ấn Độ sẽ có số người trong độ tuổi lao động cao nhất trong khi các quốc gia phát triển lại phải giải quyết tình trạng dân số già. Những trẻ em được sinh ra ở Ấn Độ vào lúc này sẽ trở thành người trưởng thành vào năm 2030. Và câu hỏi được đặt ra là chúng sẽ khỏe mạnh, được giáo dục tốt hay lại ốm yếu và mù chữ như đa số trẻ em ở các vùng nông thôn hiện nay".

Các nhà chuyên môn cho rằng so với quốc gia có dân số già như Nhật Bản thì Ấn Độ dường như may mắn hơn. Một quốc gia đặt mục tiêu trở thành cường quốc kinh tế thế giới như Ấn Độ có thể hãnh diện với lực lượng trẻ hùng hậu của mình. Tuy nhiên, lực lượng này phải có trình độ và sức khỏe thì mới có thể thực hiện được mục tiêu trên và đưa Ấn Độ gia nhập vào hàng ngũ các quốc gia phát triển.

Hồng Anh
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *