Argentina đang có một kế hoạch đầy tham vọng để sản xuất năng lượng hạt nhân nhằm gia nhập vào xu hướng của thế giới hiện nay là sử dụng năng lượng hạt nhân và giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Ảnh minh họa (Internet)
Argentina là quốc gia đầu tiên ở khu vực Mỹ La-tinh vận hành nhà máy năng lượng hạt nhân bắt đầu vào năm 1974. Nhưng công nghệ này đã bị lãng quên trong nhiều năm qua kể từ khi xảy ra nhiều tai nạn trong quá trình vận hành các nhà máy loại này trên thế giới, điển hình như vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vào năm 1986.
Tuy nhiên hiện nay, với nhiều công nghệ an toàn hơn, Argentina đang xây dựng một nhà máy phản ứng mới gần với nhà máy Atucha ở Zarate, một thành phố nằm bên sông Parana ở tỉnh Buenos Aires. Quốc gia Nam Mỹ này đặt mục tiêu hoàn thành nhà máy điện Atucha thứ 2 vào tháng 9 năm 2011 và sẽ bắt đầu đưa vào hoạt động vào cuối năm 2012.
Mới đây, chính phủ của Tổng thống Argentina Cristina Fernandez đã công bố kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân vào năm 2025. Dự kiến khi hai nhà máy này hoàn thành, điện tạo ra từ các nhà máy năng lượng hạt nhân của Argentina sẽ tăng lên 15% so với 6% như hiện nay. Sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế lớn thứ ba khu vực Mỹ La-tinh đã kéo theo nhu cầu về năng lượng ngày càng gia tăng. Argentina cũng có kế hoạch nối lại việc khai thác và làm giàu uranium để sử dụng làm năng lượng thay thế năng lượng hóa thạch. Việc này sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn dự trữ dầu thô và khí tự nhiên vốn đang co lại. Hiện nay khoảng 60% lượng điện của Argentina được tạo ra từ các nguồn năng lượng hóa thạch này.
Ngoài ra, Argentina cũng có kế hoạch xây dựng những nhà máy phản ứng hạt nhân quy mô nhỏ để bán cho nước ngoài. Ủy ban năng lượng đang bắt đầu xây dựng một khuôn mẫu cho những nhà máy phản ứng nói trên.
THVL