Hiện nay, nhiều thư viện tại Mỹ đang mở rộng hoạt động. Bên cạnh việc cho mượn sách, các đơn vị này còn chia sẻ hạt giống cây trồng, lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng và khuyến khích mọi người lưu giữ các giống cây địa phương. Chúng ta cùng đến tham quan Thư viện Công cộng San Francisco, một trong những “thư viện hạt giống” mới “bén rễ” ở thành phố San Francisco, bang California, Mỹ.
Không chỉ cho mượn sách, Thư viện Công cộng San Francisco gần đây còn ra mắt dịch vụ cho mượn hạt giống, “gieo mầm kiến thức” theo một cách mới. Tại khu Bayview của thư viện này, mọi người có thể tìm thấy nhiều giống cây trồng khác nhau. Tất cả được đựng trong túi giấy, ghi chép thông tin đầy đủ và lưu trữ cẩn thận trong một chiếc tủ ngăn kéo bằng gỗ.
Đây là một phần của chương trình thí điểm mang tên “Thư viện cho mượn hạt giống”, do đó, mọi người có thể mang hạt giống về trồng miễn phí.
“Mọi người có thể mang bất kỳ loại giống nào mình muốn về nhà trồng. Sau mùa vụ, người mượn chỉ việc đem trả lại thư viện một ít giống cây mình vừa thu hoạch mà thôi.”
Các thủ thư tại đây hy vọng, những hạt giống nhỏ bé này có thể mở ra một kho tàng kiến thức, giúp mọi người tìm hiểu về thiên nhiên, sinh học, kỹ thuật làm vườn trong đô thị, và thậm chí cả các lĩnh vực sức khỏe và dinh dưỡng.
“Trước đây, tôi không hề biết có giống đậu lưỡi rồng. Hiện thư viện có nhiều loại thảo mộc như hẹ, bạc hà, kinh giới cay, rau mùi. Các loại giống này được mượn phổ biến nhất.”
“Việc cho mượn hạt giống hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh của thư viện, đó là tạo môi trường cho mọi người học hỏi, tra cứu, và tìm kiếm những sở thích mới, khám phá những điều mới mẻ về bản thân.”
Năm 2011, một nhóm các nhà hoạt động xã hội ở bang California đã mở thư viện hạt giống đầu tiên, nhằm giúp bảo vệ sự đa dạng của hệ thực vật địa phương. Sau đó, họ tiếp tục thành lập một mạng lưới, chia sẻ tài liệu trực tuyến để nhân rộng mô hình này. Cho đến nay, đã có hàng trăm thư viện tương tự mọc lên trên khắp nước Mỹ, thu hút rất nhiều tình nguyện viên đến hỗ trợ phân loại hạt giống, đóng góp các giống cây quý hiếm.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc, hơn 90% giống cây trồng trên thế giới đã biến mất khỏi những cánh đồng trong 100 năm qua. Sự đa dạng của thực vật đang mất dần do nhiều nông dân chuyển sang trồng những giống cây lai tạo, vì cho năng suất cao hơn. Do đó, theo giới chuyên môn, vai trò của các thư viện hạt giống là rất quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học ở địa phương.
Tường Vân