Sau nhiều năm chịu ảnh hưởng từ các cuộc xung đột, đa số thư viện ở thành phố Mosul của Iraq đã bị hư hại nghiêm trọng. Cùng với việc xây dựng lại các cơ sở này, thì sự ra đời của thư viện di động được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi văn hóa đọc và lan tỏa ánh sáng tri thức đến với các cộng đồng dân cư.
Chiếc xe buýt này là một thư viện di động vừa đưa vào hoạt động trong tháng 11 này tại thành phố Mosul, miền Bắc Iraq. Giáo sư Abdulsatar Abduljabbar làm việc tại Đại học Mosul, là người đã vận động nhiều nguồn tài trợ trên thế giới để thực hiện sáng kiến thư viện di động này. Xe được trang bị 1.000 đầu sách và một số máy tính phục vụ cho nhu cầu đọc sách và tra cứu tài liệu của người dân.
Giáo sư Abdulsatar Abduljabbar – Người sáng lập thư viện di động ở Mosul (Iraq) cho biết:
“Tại Mosul, sau năm 2017, các thư viện công cộng đều bị thiệt hại nặng nề. Dù nhiều nơi đã được kiến thiết lại nhưng quy mô nhỏ và không nơi nào phục vụ 24/7.”
Mỗi ngày, chiếc xe này chạy đến một số địa điểm trong thành phố và dừng lại để người dân có thể mượn sách đọc miễn phí. Do có thể di chuyển đến những tuyến phố nhỏ và xa trung tâm thành phố, thư viện di động này hướng đến phục vụ cho những người khó tiếp cận các thư viện trong thành phố, như thư viện Đại học Mosul chẳng hạn. Các thể loại sách, tạp chí của thư viện cũng đa dạng, đáp ứng nhu cầu đọc của không chỉ người lớn mà cả trẻ em. Thêm vào đó, những chiếc máy tính trên xe buýt hỗ trợ đáng kể cho học sinh, sinh viên trong việc tìm kiếm tài liệu tham khảo, sách điện tử.
Ông Ghassan Salem – Người dân Iraq chia sẻ:
“Những năm qua, tôi chẳng có nơi nào để mượn sách. Hiện nay, nhờ có thư viện di động này, tôi có điều kiện tiếp tục theo đuổi niềm đam mê đọc sách. Tôi tin rằng thư viện này sẽ làm hồi sinh văn hóa đọc tại thành phố.”
Giáo sư Abdulsatar Abduljabbar cho biết cùng với sáng kiến thư viện di động này, ông kêu gọi mọi người đóng góp sách hoặc trao đổi sách và tài liệu cho nhau mượn đọc. Ông tin rằng điều này sẽ làm lan tỏa tình yêu đọc sách trong các cộng đồng, nhất là đối với trẻ em.
Người sáng lập thư viện di động ở Mosul (Iraq) – Giáo sư Abdulsatar Abduljabbar cho biết:
“Hy vọng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai được các dự án trao đổi sách, thành lập các câu lạc bộ đọc sách, qua đó phục hồi văn hóa đọc trong thành phố.”
Không riêng ở thành phố Mosul, mô hình thư viện di động cũng đang được nhân rộng ở nhiều nơi khác của Iraq, trong đó có thủ đô Baghdad. Các thư viện này giúp cho ngày càng nhiều người tiếp cận với sách, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tri thức và học hành.
Thuận Hải