Nằm giữa sa mạc, thành phố Yazd của Iran là một trong những nơi có khí hậu nóng nhất trên Trái đất. Từ hàng thế kỷ qua, kiến trúc nơi đây đã gắn liền với hàng trăm ngọn tháp cổ, đóng vai trò đón gió giúp làm mát tự nhiên cho thành phố này.


Các tòa tháp cao, giống như ống khói lớn mọc lên từ những ngôi nhà làm bằng gạch nung hàng trăm năm tuổi này chính là tháp đón gió, được gọi là badgir trong tiếng Ba Tư.
Công trình này đón gió thổi trên cao và dẫn xuống ngôi nhà bên dưới, đẩy không khí nóng ra ngoài. Đây được xem là một trong những nét đặc sắc về kỹ thuật kiến trúc được phát triển từ hàng thế kỷ qua bởi cư dân thành phố /Dat/ Yazd – nơi mà mức nhiệt ngoài trời có thể lên tới hơn 40 độ C vào mùa Hè.
Trong một số thiết kế, luồng không khí đi vào còn thổi qua mặt nước, giúp làm mát thêm. Kết quả nghiên cứu cho thấy tháp đón gió có thể làm giảm nhiệt độ bên trong tòa nhà khoảng từ 8 đến 12 độ C.
Vườn Dowlatabad là nơi có một trong những tháp đón gió cao nhất, với chiều cao 33,8 mét. Ông Majid Olumi người quản lý Vườn Dowlatabad cho biết, phương pháp làm mát này là hoàn toàn sạch, không cần sử dụng điện hay các vật liệu gây ô nhiễm.


“Nhờ thiết kế của ngôi nhà, tháp đón gió giúp đưa không khí tươi mới vào bên trong. Cách sử dụng năng lượng sạch sẵn có này đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống một cách tự nhiên.”
Hiện nay, tại thành phố Yazd còn tồn tại 700 tháp đón gió, trong đó tháp lâu đời nhất có từ thế kỷ 14. Tuy nhiên, loại công trình kiến trúc này được cho là có thể có nguồn gốc xa xưa hơn, cách đây khoảng 2.500 năm.
“Đây là một trong những di sản có giá trị mà người xưa đã để lại cho chúng tôi.”
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận thành phố Yazd là Di sản Thế giới vào năm 2017. Theo UNESCO, thành phố này là “bằng chứng sống” cho việc con người sử dụng thông minh các nguồn tài nguyên hạn chế sẵn có trong sa mạc để sinh tồn.

Tuấn An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *