Những sinh vật có khả năng tự phát sáng hay phát quang sinh học là một trong những hiện tượng thiên nhiên thú vị luôn thu hút sự hiếu kỳ của con người. Kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ còn cho thấy động vật phát sáng trong bóng tối đầu tiên trên Trái đất có thể là một loài san hô sống cách đây khoảng 540 triệu năm ở sâu dưới đại dương.
Hầu hết các loài động vật tự phát sáng trên Trái đất đều được tìm thấy trong đại dương như mực, bạch tuộc, sứa, một số loài cá. Một số loài sử dụng nguồn ánh sáng này để cảnh báo kẻ săn mồi. Số khác thì để dẫn dụ con mồi hay thu hút bạn tình.
Các nhà sinh vật học biển tại Viện Nghiên cứu Thủy cung Vịnh Monterey (Mỹ) cũng phát hiện nhiều loài san hô mềm ở những vùng biển sâu phát sáng khi bị tác động. Và để trả lời câu hỏi loài san hô có khả năng phát sáng từ khi nào, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu di truyền từ 185 loài san hô phát sáng để xây dựng cây tiến hóa chi tiết. Sau đó, họ phát hiện tổ tiên chung của tất cả các loài san hô mềm ngày nay đã sống cách đây khoảng 540 triệu năm và có thể phát quang sinh học.
Phát hiện này cho thấy san hô dưới biển sâu sống cách đây khoảng 540 triệu năm có thể là động vật đầu tiên trên Trái đất phát sáng. Kết quả này khiến nhiều nhà khoa học bất ngờ. Bởi, trong nhiều thập niên qua, loài giáp xác biển nhỏ Ostracod, sống cách đây khoảng 270 triệu năm, được xem là loài động vật cổ xưa nhất có khả năng phát quang.
Minh Thanh