Vùng bờ biển Địa Trung Hải thuộc miền Nam nước Pháp gần đây chứng kiến ngày càng nhiều rùa biển quản đồng đến đẻ trứng. Sự xuất hiện một cách khác thường của loài rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng này được cho là có liên quan đến biến đổi khí hậu.
Rùa biển đã xuất hiện trên Trái đất từ cách đây hơn 150 triệu năm, tương đương với loài khủng long. Ngày nay, 6 trên 7 loài rùa biển đang có nguy cơ tuyệt chủng. Rùa biển thường sống ở các vùng biển nhiệt đới. Tuy nhiên, gần đây ngày càng nhiều rùa quản đồng tìm đến đẻ trứng ở các bãi biển miền Nam nước Pháp. Tại đây, loài động vật biển quý hiếm này đối mặt với một số nguy cơ như va chạm với tàu thuyền. Vì thế, Pháp lập ra một trung tâm phục hồi chức năng tại một vùng ngoại ô của thành phố Antibes thuộc tỉnh Alpes-Maritimes nhằm cứu chữa cho những cá thể rùa quản đồng bị thương. Tại đây, các nhà khoa học cũng nghiên cứu về tác động của môi trường biển ô nhiễm đối với chúng.
“Rùa biển có vai trò như một thước đo sinh học về tính trong lành của môi trường biển. Những gì chứa trong dạ dày chúng cho thấy mức độ ô nhiễm của vùng biển mà chúng sinh sống.”
Trước kia, rùa biển quản đồng ở Địa Trung Hải chủ yếu đến đẻ trứng trên các bãi biển thuộc Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Libya, chứ không đến Pháp. Gần đây, sự xuất hiện khác thường của chúng ở những bờ biển của Pháp có thể do nhiệt độ nước biển ấm dần giữa lúc hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến nhanh chóng.

Phúc Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *