Ngày 20/3, Iran rộn ràng chào đón năm mới theo lịch truyền thống của nước này, gọi là Nowruz, hay Tết Ba Tư. Vào dịp này, người Iran nguyện ước về một năm mới hòa bình và thịnh vượng.
Từ Nowruz trong tiếng Ba Tư có nghĩa là “ngày mới”. Ngày tết cổ xưa này đánh dấu sự khởi đầu của mùa Xuân. Tại Iran, vào dịp này, các con đường được điểm tô với những mô hình trứng khổng lồ nhiều màu sắc tượng trưng cho sự sinh sản và đổi mới.
“Tôi ước sẽ không có chiến tranh ở bất cứ nơi đâu. Năm mới là năm hòa bình trên khắp thế giới.”
“Sự bình yên và chân thành luôn tồn tại trong mỗi chúng ta. Mong rằng hòa bình được lập lại ở những nơi xảy ra xung đột.”
Từ vài tuần lễ trước, người dân Iran đã tất bật mua sắm chuẩn bị cho năm mới cổ truyền. Một trong những truyền thống quan trọng nhất là mâm cỗ Haft Seen bao gồm 7 món bắt đầu bằng chữ S theo tiếng Ba Tư, chẳng hạn như Sikkeh (tức đồng xu) tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng, /Xia/ Seer (tức tỏi) tượng trưng cho sự khỏe mạnh, Seeb (tức táo) tượng trưng cho sức khỏe và vẻ đẹp tự nhiên.
Không chỉ tại Iran, năm mới Nowruz còn được tổ chức tại nhiều quốc gia khác thuộc khu vực Trung Đông, Trung Á, vùng Balkan,… Năm 2009, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận Nowruz là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại. Theo UNESCO, lễ hội hơn 3.000 năm tuổi này đã quảng bá giá trị của hòa bình và đoàn kết giữa nhiều thế hệ và trong các gia đình, cũng như sự hòa giải và tình láng giềng. Năm 2010, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuyên bố ngày 21/3 là Ngày Quốc tế Nowruz.
Thảo Phương