Nhà hát quốc gia Hàn Quốc mới đây đã tổ chức thành công buổi biểu diễn thử nghiệm robot “EveR 6” – người máy giữ vai trò nhạc trưởng đầu tiên tại nước này.
Tuy nhiên, đây không phải “robot nhạc trưởng” đầu tiên trên thế giới, mà trước đó, một số robot thông minh cũng từng chỉ huy dàn nhạc tại một vài nước như Mỹ, Italia. Theo nhiều người, công nghệ robot đang thổi làn gió mới vào âm nhạc, lĩnh vực từng được xem là độc quyền của con người.
Màn trình diễn đặc biệt gồm 2 tiết mục của robot “EveR 6” là thành quả suốt một năm hợp tác giữa Dàn nhạc quốc gia Hàn Quốc và Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc. Đầu tiên, “robot nhạc trưởng” chỉ huy cả dàn nhạc hàng chục thành viên biểu diễn tác phẩm “Horse Thump” của nhà soạn nhạc người Mông Cổ M. Birvaa. “EveR 6” có các động tác linh hoạt, tự nhiên như một nhạc trưởng thực thụ.
Ở tiết mục thứ hai, robot “EveR 6” và nhạc trưởng Soo-yeoul Choi cùng chỉ huy dàn nhạc biểu diễn ngẫu hứng nhạc khúc “Gam” hay Cảm xúc) của tác giả Son Il-Hoon. Nhạc trưởng Soo-yeoul Choi chỉ đạo các nhạc công tạo điểm nhấn cho bản nhạc, trong khi robot giúp anh giữ nhịp và tiết tấu.
“Nhạc phẩm này cho phép khán giả trải nghiệm quá trình tương tác giữa nhạc công và nhạc trưởng. Điểm nhấn của bản nhạc không nằm ở từng nốt nhạc, mà là “cuộc trò chuyện” do chúng tạo nên.”
Trước “nhạc trưởng” “EveR 6”, nhiều robot khác từng điều khiển ban nhạc thành công, chẳng hạn như robot nhạc trưởng “Asimo” của công ty Honda Nhật Bản đã điều khiển một buổi hòa nhạc tại Mỹ vào năm 2008, hay robot “Yumi”, do công ty ABB của Thụy Sĩ chế tạo, đã làm khán giả say mê khi biểu diễn tại tòa tháp nghiêng Pisa nổi tiếng ở Italia vào năm 2017, gần đây hơn là màn trình diễn ấn tượng của robot / Alter 3 tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất. Robot nhạc trưởng Alter 3 do Đại học Osaka phối hợp với một số công ty ở Nhật Bản phát triển.
Theo giới chuyên môn, robot “EveR-6” giữ nhịp điệu chính xác hơn con người, song không thật sự chỉ huy dàn nhạc, bởi điểm yếu lớn nhất của nó là không thể nghe nhạc.
“Tôi cho rằng “EveR-6” chỉ huy giống như nhạc trưởng, chứ không phải nhạc trưởng thật, bởi “nhạc trưởng con người” phải nghe tiếng nhạc để thẩm định và điều chỉnh nhằm thể hiện cảm xúc của họ qua từng nốt nhạc.”
Có thể nói, với sự mới lạ, hiện đại, các “robot nhạc trưởng” đang thu hút sự chú ý của người yêu nhạc. Tuy nhiên, đa số khán giả vẫn ủng hộ các nhạc trưởng người thật nhiều hơn, bởi họ có cảm xúc, tư duy và cá tính, những thứ mà các robot_ dù thông minh_ cũng khó lòng bắt chước được.
Tường Vân