Các nhà sản xuất máy bay trên thế giới đang hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu đi lại hằng ngày của hành khách trong cự ly ngắn bằng cách cung cấp các chuyến bay thuận tiện, nhanh chóng và bền vững. Để biến mục tiêu này thành hiện thực, nhiều công ty đang nỗ lực phát triển máy bay điện cỡ nhỏ.
Mới đây, tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough 2024 ở hạt Hampshire của Anh, một trong những triển lãm hàng không lớn nhất thế giới, công ty vận tải hàng không Supernal thuộc tập đoàn ô tô Hyundai của Hàn Quốc đã giới thiệu mẫu máy bay hoạt động bằng điện mới nhất. Chiếc máy bay này được trang bị các cánh quạt và có thể cất cánh thẳng đứng mà không cần đường băng. Loại phương tiện mới này sẽ giúp hành khách di chuyển đến các địa điểm trong khu vực đô thị nhanh hơn so với đi bằng xe và thoát khỏi cảnh kẹt xe.
“Đây là một chiếc máy bay hoạt động hoàn toàn bằng điện, có tầm bay 100 km, tốc độ tối đa khoảng 190 km một giờ, vận chuyển hành khách trên những quãng đường bay ngắn một cách an toàn và thoải mái.”
Tương tự máy bay của công ty Supernal, mẫu máy bay mới của công ty Đức Lilium cũng có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng. Tuy nhiên, máy bay của Lilium không có cánh quạt trần mà sử dụng động cơ tạo lực đẩy. Công ty Lilium cho biết mẫu máy bay mới khi hoạt động sẽ không phát thải khí các-bon và giảm thiểu tiếng ồn.
“Máy bay có sải cánh 14m, dài 8 mét và nặng 3,3 tấn. Nó có thể chở sáu người di chuyển quãng đường 175km với vận tốc 250 km/h. Máy bay này có chi phí vận hành thấp giúp vé máy bay sẽ có giá rẻ.”
Trước đó, vào năm 2022, nguyên mẫu máy bay điện của công ty Lilium đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm qua khu vực không có dân cư ở vùng Andalusia, Tây Ban Nha.
Dẫu vậy, theo các chuyên gia, để đưa những chiếc máy bay điện cỡ nhỏ này vào hoạt động thương mại sẽ cần có những khu vực thích hợp cho việc hạ cánh và cất cánh an toàn, cùng với đó là những thách thức trong quá trình sản xuất máy bay.
“Mặc dù những chiếc máy bay điện cỡ nhỏ đã thu hút nhiều sự chú ý với những tiện ích mà chúng mang lại, nhưng để sản xuất và đưa vào sử dụng thực tế thì còn phải mất nhiều năm nữa”.
Thái Kim