Các nhà khoa học Anh mới đây đã phát hiện oxy dưới đáy đại dương nhưng không phải do các sinh vật sống tạo ra. Phát hiện này có thể thay đổi quan niệm trước đây về sự hình thành và phát triển của sự sống trên Trái đất.
Theo nhóm nghiên cứu tại Hiệp hội Khoa học Hàng hải Scotland, Anh, họ đã thăm dò đáy biển ở độ sâu khoảng 4 km thuộc Vùng đứt gãy Clarion-Clipperton. Đây là khu vực ở Thái Bình Dương, nằm giữa quần đảo Hawaii của Mỹ và bờ biển phía Tây của Mexico.
Khi phân tích các khối kim loại kết hạch ở đáy biển trong khu vực, họ phát hiện chúng có chứa điện tích. Chính các khối kim loại này đã điện phân nước biển trong môi trường xung quanh thành khí hydro và oxy.
Trước đây, giới khoa học cho rằng oxy chỉ được tạo ra từ cách nay khoảng 3 tỷ năm, do các vi khuẩn cổ xưa gọi là vi khuẩn lam. Phát hiện mới này đã chứng tỏ vai trò của các khối kim loại kết hạch dưới đáy biển trong quá trình hình thành và phát triển sự sống trên Trái đất.
Các khối kim loại kết hạch dưới đáy biển được hình thành khi nhiều kim loại như mangan, coban, niken, đồng kết tủa dần. Có nhiều ý kiến đề xuất khai thác những khối kim loại kết hạch này để phục vụ các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại việc khai thác chúng có thể hủy hoại môi trường tự nhiên dưới đáy biển.

Đức Tài 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *