Trong một cuộc nghiên cứu nhằm tìm hiểu tại sao Trái Đất không ấm lên nhiều như dự báo thời gian qua, một nhóm các nhà khoa học làm việc tại trường Đại học Colorado của Mỹ đã phát hiện ra rằng hiện tượng núi lửa phun trào giúp làm chậm quá trình ấm lên toàn cầu.
Núi lửa Lokon ở Indonesia phun trào. (Nguồn: EPA)
Nghiên cứu của các nhà khoa học trên cho biết khí sulfur điôxít (SO2) sinh ra trong quá trình phun trào của núi lửa đã bay lên tầng bình lưu của bầu khí quyển, cung cấp một lớp bảo vệ phản chiếu ánh sáng Mặt Trời trở lại không gian, giúp giữ cho Trái Đất giảm bớt tình trạng ấm lên.
Trước đây, có giả thuyết cho rằng tác nhân gây ô nhiễm môi trường là các phân tử vật chất sinh ra từ khói công nghiệp ở các nhà máy tại châu Á đã tạo ra lớp sulfur điôxít ở độ cao cách mặt đất 20-30 km. Tuy nhiên, nhà khoa học của trường Đại học Colorado là Ryan Neely, trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định rằng chính khí thải từ hoạt động của núi lửa đã làm chậm tiến trình ấm lên của Trái Đất.
Từ năm 2000 đến 2010, giới khoa học đã nghiên cứu bầu khí quyển và nhận thấy mức độ tập trung trung bình của cacbon điôxít – khí nhà kính dẫn đến hiện tượng ấm lên toàn cầu, đã tăng thêm 5%. Tỉ lệ này khiến nhiệt độ trung bình của Trái Đất tăng thêm 0,2oC. Tuy nhiên, nhờ lớp phân tử khói bụi lúc đó cũng tích tụ ngày càng nhiều nên mức tăng nhiệt độ trên Trái Đất đã giảm đi 25%.
Các nhà khoa học cho biết từ năm 2000, lượng khói bụi ở tầng bình lưu tăng từ 4 đến 7% mỗi năm. Nhưng, nguyên nhân gây ra hiện tượng này vẫn chưa được thống nhất.
Ông Neely và các đồng nghiệp đã nỗ lực tìm nguyên nhân chính xác của hiện tượng trên bằng cách so sánh mức độ tro bụi theo dõi được ở tầng bình lưu với các hoạt động phun trào của núi lửa. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng hai mô hình máy tính phức tạp, trong đó một loại cho phép nghiên cứu lớp tro bụi trong khí quyển, loại còn lại giúp các nhà nghiên cứu theo dõi các vụ thải tro bụi đặc biệt của núi lửa trên hành tinh, vì vậy khí thải núi lửa và khí thải công nghiệp được tách riêng. Sau đó, nhóm nghiên cứu kết hợp hai mô hình này để tìm ra các mẫu phun trào núi lửa và tác động của chúng tới mức độ khói bụi trong khí quyển. Kết quả cho thấy rõ ràng sự phun trào của núi lửa là nguyên nhân làm cho nhiệt độ Trái Đất tăng thấp hơn dự đoán.
Nhóm nghiên cứu này cho rằng giới khoa học cần phải chú ý hơn đến các hoạt động núi lửa trong khi tìm hiểu những thay đổi về nhiệt độ trên Trái Đất. Họ nhấn mạnh mức độ khí thải của núi lửa tăng hay giảm có liên quan tới nhiệt độ Trái Đất nguội bớt đi hay ấm lên, trong khi khí thải gây hiệu ứng nhà kính do hoạt động của con người tạo ra chỉ làm nhiệt độ Trái Đất tiếp tục tăng.
Anh Dũng