Số lượng các hiệu sách nhỏ ở Hàn Quốc đang tăng lên dù phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hoạt động bán sách trực tuyến và sự phổ biến của sách điện tử. Theo giới chuyên môn, sự sáng tạo của các đơn vị kinh doanh, cộng với những chính sách hợp lý, kịp thời của cơ quan chức năng, đã giúp các hiệu sách nhỏ ở xứ Hàn ăn nên làm ra.
Tại thủ đô Seoul, những hiệu sách nhỏ đã rất sáng tạo khi tuyển chọn các tập thơ, các quyển tiểu thuyết hay, hiếm có để phục vụ người yêu sách, qua đó thu hút nhiều khách hàng đến mua.
Một khách hàng chia sẻ:
“Khi đến đây, tôi có thể tìm thấy những quyển sách hay mà các nhà sách lớn không có.”
Còn cửa hàng này thì ưu tiên cho đề tài du lịch, với gần 800 đầu sách được bày bán. Chủ hiệu sách cũng đang điều hành một công ty du lịch và chị cảm thấy 2 việc này có mối liên hệ với nhau.
Còn chị Ko Yoon Kyung Chủ hiệu sách Check-IN thì cho biết:
“Tôi hy vọng hiệu sách của mình có thể cung cấp những thông tin có giá trị, truyền cảm hứng cho mọi người lên kế hoạch cho những chuyến du lịch tiếp theo của họ.”
Số lượng các hiệu sách nhỏ ở Hàn Quốc hiện vào khoảng 880 cửa hàng, tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước. Sự bùng nổ này chủ yếu nhờ vào quy định giới hạn tỷ lệ chiết khấu sách tối đa chỉ 15% đã được Chính phủ Hàn Quốc áp dụng hồi năm 2014 nhằm ngăn các nhà sách lớn và nhà bán lẻ trực tuyến đưa ra các khoản chiết khấu lớn để chiếm lợi thế cạnh tranh.
Cách đây 3 năm, Hàn Quốc cũng đã yêu cầu các thư viện công cộng ưu tiên mua sách của các cửa hàng sách nhỏ ở địa phương. Chỉ tính riêng năm ngoái, 19 thư viện công cộng tại thành phố Paju, thuộc tỉnh Gyeonggi, đã đặt mua hơn 90% sách từ các hiệu sách nhỏ, giúp những nhà kinh doanh nhỏ lẻ có thêm lợi nhuận. Bên cạnh đó, Cơ quan xúc tiến ngành xuất bản Hàn Quốc cũng sẵn sàng bảo vệ các hiệu sách nhỏ, độc lập.
Ông Kim Byeong–Ju địa diện  Cơ quan xúc tiến ngành xuất bản Hàn Quốc chia sẻ:
“Cần giúp các hiệu sách nhỏ tạo ra lợi nhuận. Nếu số lượng các hiệu sách giảm thì sự đa dạng văn hóa có thể sẽ mất đi. Do đó, các cơ quan chức năng cần bảo vệ họ.”
Ngoài ra, chủ các hiệu sách nhỏ cũng thường tổ chức họp mặt để giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm về cách bày trí, kết hợp với các dịch vụ khác, nhằm thích ứng với thị hiếu thay đổi của người mua sách. Theo nhiều người, các hiệu sách nhỏ ở Hàn Quốc hiện nay không đơn giản là nơi bán sách, mà giống như những không gian văn hóa, mang lại nhiều giá trị cho xã hội.

Tường Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *