Theo các chuyên gia, rác thải từ ngành công nghiệp hoa đang trở thành một vấn đề toàn cầu tương tự như rác thải thực phẩm. Trong nỗ lực giảm thiểu rác thải hoa, nhiều cá nhân và công ty ở Nhật Bản đã tìm được giải pháp để tận dụng những bông hoa mà người khác thải loại vì cho rằng không đạt chuẩn.
Một cửa hàng bán quần áo Hanavie ở thủ đô Tokyo. Thế nhưng, ở đây không chỉ kinh doanh quần áo mà còn bán nhiều loại hoa, trong đó có hoa hồng, hoa tulip với giá rất rẻ. Đó là những bông hoa từng được đánh giá là không đạt chuẩn mà những người kinh doanh hoa thường hay bỏ đi. Chủ cửa hàng Hanavie là chị Matsuno Yukari, người đã có ý tưởng bán những cành hoa không đạt chuẩn từ năm 2022 như một cách để kiếm thêm thu nhập và tránh lãng phí hoa.
“Các cành hoa này vẫn còn đẹp, nên sẽ rất tiếc nếu chúng bị bỏ đi. Cửa hàng của tôi có nhiều khách quen, họ thường đến đây để mua hoa theo tiêu chí tận dụng những bông hoa còn đẹp.”
Tại thành phố Tokyo có nhiều cửa hàng chuyên bán quần áo, phụ kiện, trang sức cũng như những đóa hoa từng được cho là không đạt chuẩn như cửa hàng của chị Matsuno Yukari. Ý tưởng này cũng mang đến cho họ nhiều thuận lợi trong việc kinh doanh bởi việc trưng bày những bông hoa bắt mắt bên ngoài có thể thu hút sự chú ý của khách hàng.
“Tôi thích những bông hoa này bởi chúng có giá rẻ, nhiều bông hoa còn rất đẹp.”
Các cành hoa không đạt chuẩn thường bị những người bán sỉ hay các nông trại loại ra vì nhiều lý do chẳng hạn như cành khẳng khiu, cành cong, hoa không đều màu hay hoa nở không đẹp… Mặc dù vậy, chúng vẫn có thể dùng để trang trí không gian sống thêm xinh tươi.
Ông Onuki Wataru là chủ một nông trại trồng hoa cẩm chướng ở thành phố Atsugi, tỉnh Kanagawa. Theo ông, khoảng 20% trong số hoa thu hoạch hàng năm tại nông trại của ông không đạt chuẩn để phân phối cho người bán sỉ, vì vậy ông sẽ bán chúng cho những người bán lẻ thay vì bỏ đi. Nhờ đó, nông trại của ông có thêm thu nhập, đồng thời tránh được tình trạng lãng phí hoa trong khi chúng vẫn còn đẹp.
Cũng trong nỗ lực giảm thiểu rác thải hoa, những người khéo tay tìm nhiều cách khác nhau để tận dụng chúng, trong đó có chị Kawashima Haruka, người sáng lập công ty tái chế hoa Rin. Qua đôi tay khéo léo của chị, các bông hoa sắp héo tàn mà các cửa hàng không thể bán được có thêm sự sống mới. Sau khi nhuộm màu, phơi khô, chị dùng số hoa khô tái chế để trang trí cho các sự kiện. Không chỉ vậy, chị còn dùng chúng để làm các phụ kiện như trâm cài tóc, hoa cài áo hay những bức tranh hoa. Chị hy vọng khi khách hàng sử dụng những sản phẩm như thế sẽ nâng cao nhận thức về rác thải hoa.
“Chúng tôi tìm cách kéo dài vòng đời của bông hoa. Trong đó có việc xấy khô chúng rồi sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.”
Thanh Trúc