Các nhà nghiên cứu Nhật Bản mới đây cho biết đã cấy ghép thành công một mầm gan nhỏ được phát triển từ tế bào gốc đa năng hay còn gọi là tế bào iPS vào cơ thể một con chuột.
Ảnh minh họa
Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Hideki Taniguchi đến từ trường Đại học Yokohama, Nhật Bản, dẫn đầu đã tiến hành chuyển đổi các tế bào iPS ở người thành các tế bào có khả năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau như tế bào gan, tế bào tĩnh mạch…
Bằng phương pháp trên, họ đã tạo ra một mầm gan có kích thước khoảng 5 mm, sau đó cấy nó vào cơ thể một con chuột bị bệnh. Mầm gan này đã bắt đầu hoạt động bình thường. Theo các nhà khoa học, phương pháp cấy gan này có thể làm tăng tỷ lệ sống sót ở các loài động vật gặm nhấm từ 30% lên 90%.
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ sử dụng kỹ thuật này để tiến hành điều trị cho con người bằng cách cấy một cụm gồm nhiều nụ gan. Họ cho biết, sẽ tiến hành nghiên cứu lâm sàng trong vòng 7 năm tới. Theo Giáo sư Taniguchi, nghiên cứu trên sẽ mở ra một bước tiến lớn cho ngành y học tái tạo khi các mầm gan có thể được sản xuất hàng loạt.
Minh Thái