Dơi mang trên cơ thể mình một số loại virus dễ gây chết người nhất trên thế giới. Tuy nhiên, loài sinh vật này hầu như không bao giờ mắc bệnh. Hiện, một nhóm các nhà khoa học ở Singapore đang nghiên cứu cấu trúc gene của dơi để tìm ra khả năng miễn nhiễm đặc biệt này. Họ hy vọng kết quả của các cuộc nghiên cứu sẽ giúp con người có được phương pháp hữu hiệu chống bệnh truyền nhiễm.

Có nhiều loại virus như virus dại, cúm, SARS được tìm thấy trên cơ thể của dơi nhưng chúng hầu như vô hại đối với dơi.

Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Trường đại học Quốc gia Duke của Singapore tin rằng có mối liên hệ giữa quá trình tiến hóa về khả năng bay của dơi với hệ miễn dịch của chúng. Nhà khoa học Ian Mendenhall làm việc tại khoa Bệnh Truyền nhiễm Mới của trường đại học trên cho biết có nhiều loại virus như virus dại, cúm, SARS được tìm thấy trên cơ thể của dơi nhưng chúng hầu như vô hại đối với dơi.

Ông Mendenhall cùng đồng nghiệp của mình là ông Wang Lin-Fa, Trưởng khoa Bệnh Truyền nhiễm Mới đang tiến hành nghiên cứu tìm ra khả năng đặc biệt trên của dơi. Ông Wang nói rằng dơi là loài động vật có vú duy nhất có thể bay được và hoạt động bay cần rất nhiều năng lượng. Khi dơi bay, quá trình trao đổi chất diễn ra mạnh để đáp ứng nhu cầu năng lượng đồng thời cũng tạo ra các phó phẩm độc hại có thể làm tổn thương ADN.
Một số gene liên quan đến việc sửa chữa các đoạn ADN bị tổn thương và đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch. Vì vậy, chúng tôi tin rằng nghiên cứu các gene này giúp chúng ta giải thích được vì sao dơi mang theo rất nhiều virus chết người nhưng không mắc bệnh, trong khi con người hoặc động vật thì bị nhiễm bệnh.”

Hai nhà khoa học Mendenhall và Wang sử dụng kỹ thuật phân tích toàn bộ hệ gene của hai loài dơi – nghiên cứu mà họ tin là sẽ hé mở một cái nhìn sâu hơn vào cấu trúc sinh học độc đáo của dơi. Hai loài được nghiên cứu ở đây là dơi ăn quả Pteropus Alecto và dơi ăn côn trùng Myotis davidii.

Hai nhà khoa học trên cùng với các nhà nghiên cứu đến từ Australia, Đan Mạch và Trung Quốc tiến hành so sánh hai bộ gene trên với bộ gene của các loài động vật có vú khác để tìm ra những manh mối di truyền có thể giải thích cho các đặc điểm độc đáo của dơi trong việc miễn nhiễm với các loại virus. Nhóm nghiên cứu hy vọng trong vòng 5 năm tới sẽ lập được bản đồ các biến thể miễn dịch trong ADN của dơi để từ đó tìm ra phương pháp giúp con người cũng như vật nuôi kiểm soát các bệnh truyền nhiễm.

Anh Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *