Tại Nigeria, trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, nhiều nghệ sĩ đã tìm cách tiếp cận và áp dụng các giải pháp sáng tác nghệ thuật thân thiện với môi trường. Theo đó, nhiều tác phẩm nghệ thuật làm từ rác thải đã ra đời. Xu hướng này không chỉ có lợi cho môi trường mà còn làm phong phú thêm quá trình sáng tác nghệ thuật và thúc đẩy văn hóa bền vững trong cộng đồng nghệ thuật Nigeria.
Tại xưởng tranh của mình ở thủ đô Abuja, Nigeria, nghệ sĩ Uche Uguru đang chuẩn bị các tác phẩm nghệ thuật cho cuộc triển lãm sắp tới. Không theo cách truyền thống, gần đây, chị sử dụng các loại giấy, báo cũ làm chất liệu sáng tác.
Nghệ sĩ Uche Uguru cho biết:
“Không có gì bị bỏ đi cả. Nếu nhìn theo chiều sâu, bạn có thể nhận ra giá trị của những thứ mà người khác xem là rác. Mỗi bức tranh từ giấy, báo cũ của tôi đều ẩn chứa thông điệp rằng chúng ta có thể biến rác thành một thứ gì đó có ý nghĩa.”
Tương tự, khoảng 10 năm qua, nghệ sĩ Obi Nwaegbe luôn theo đuổi phong cách sáng tác tranh từ vải vụn, nắp chai, hộp kim loại phế thải. Các tác phẩm nghệ thuật của anh không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp của vật liệu tái chế mà còn thu hút sự chú ý của giới trẻ đối với vấn đề môi trường.
Nghệ sĩ Obi Nwaegbe cho biết:
“Những gì chúng tôi đang làm là góp phần nâng cao nhận thức của mọi người trong bảo vệ môi trường bằng cách đưa ra ý tưởng sử dụng rác thải sáng tác nghệ thuật.”
Là một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Phi, Nigeria thải ra một lượng lớn rác kim loại từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt gia đình; trong khi lượng rác thải nhựa hằng năm ở nước này là khoảng 1,5 triệu tấn. Do vậy, việc tái sử dụng, tái chế rác thải là rất cần thiết.
Theo giới chuyên gia, với sức ảnh hưởng lớn và ý nghĩa văn hóa, lĩnh vực nghệ thuật phải thể hiện trách nhiệm không gây hại đến môi trường, thậm chí còn có nhiệm vụ tuyên truyền các hoạt động bảo vệ môi trường. Do vậy, việc các nghệ sĩ ngày càng quan tâm, sử dụng các vật liệu phế thải trong sáng tác nghệ thuật sẽ góp phần giảm thiểu rác thải và thúc đẩy nhận thức về tái chế trong bối cảnh tính bền vững trong ngành nghệ thuật đang là một xu hướng toàn cầu.
Chị Sonia Somuvie – Chuyên gia về môi trường cho biết:
“Theo tôi, cách làm của nhiều nghệ sĩ ở Nigeria hiện nay là một giải pháp hay. Lợi ích của việc sử dụng vật liệu phế thải trong sáng tác nghệ thuật không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang đến sự đổi mới trong nghệ thuật và thể hiện trách nhiệm với xã hội.”.

 

Minh Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *