Ra đời cách đây hơn 2.000 năm, thú chơi diều đã trở thành một trong những nét văn hóa truyền thống của người Trung Quốc. Và một trong những nơi làm diều nổi tiếng nhất ở đất nước tỷ dân là thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông. Vùng đất được ví như kinh đô diều của thế giới này hiện có rất nhiều nghệ nhân và những cơ sở làm diều nổi tiếng.
Thành phố Duy Phường hiện có hơn 600 doanh nghiệp và hơn 80.000 người làm việc trong các ngành nghề liên quan đến sản xuất diều. Ước tính hơn 80% số diều trên thế giới được sản xuất ở Duy Phường. Hầu hết những nghệ nhân, thợ làm diều tại đây đều nối nghiệp của gia đình qua nhiều thế hệ. Kinh nghiệm cùng sự sáng tạo và đổi mới của họ đã giúp cho những con diều của vùng đất này bay xa ra khỏi biên giới quốc gia. Người dân nơi đây rất tự hào với nghề làm diều, một nghề truyền thống đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Trung Quốc vào năm 2006.
Ông Lưu Chí Cương là thế hệ thứ tư trong một gia đình gắn bó rất lâu năm với nghề làm diều. Hiện ông là một trong những nghệ nhân làm diều bằng phương pháp thủ công nổi tiếng. Trong gần 40 năm theo nghề, ông đã cho ra đời hàng ngàn con diều với đủ kiểu dáng, kích cỡ. Theo ông Lưu Chí Cương, quá trình làm diều thủ công truyền thống đòi hỏi sự kiên nhẫn, sáng tạo, tính tỉ mỉ.
“Vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, thú vui thả diều phát triển mạnh và những con diều trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc. Nhiều người nước ngoài đã đến Duy Phường để tìm hiểu về thú vui thả diều và nghề làm diều của người dân địa phương. Chúng tôi đã sản xuất rất nhiều con diều, trong đó có những con diều nặng hàng trăm kí-lô-gam và dài vài km.”
Theo ông Lưu Chí Cương, diều được làm bằng phương pháp thủ công có giá khá cao bởi sự công phu trong quá trình sản xuất nên các nhà sưu tầm rất thích. Không chỉ sản xuất diều để kinh doanh, hằng năm ông Lưu Chí Cương còn làm ra những con diều thật độc đáo để tham gia lễ hội diều Duy Phường. Trong lễ hội diều đang diễn ra tại thành phố Duy Phường năm nay, ông giới thiệu những con diều hình đầu rồng, hình con rết, bươm bướm… tạo ấn tượng mạnh đối với khách tham quan.
Một đại diện khác nữa của nghề làm diều tại Duy Phường là ông Đàm Tân Bắc, người đã theo học cách làm diều từ khi còn bé. Hiện cơ sở của ông có rất đông nhân công. Trong những năm qua, nghệ nhân Đàm Tân Bắc cũng đã nhiều lần tham gia những cuộc thi diều trên thế giới.
“Trước đây, chúng tôi làm diều bằng giấy hoặc vải, nên chúng rất dễ rách. Hiện nay, chúng tôi dùng vải nylon và vải dù, nên các con diều bền chắc hơn.”
Đối với những nghệ nhân làm diều như ông Lưu Chí Cương hay ông Đàm Tân Bắc, họ gắn bó với nghề này vì đam mê và tâm huyết muốn bảo tồn nghề truyền thống.
Thanh Trúc