Tương tự nhiều ngành nghề khác, ngành vận tải biển cũng đang đứng trước áp lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Chính vì vậy, ý tưởng tận dụng năng lượng gió để đi thuyền buồm vốn có từ hàng ngàn năm trước nay đang được áp dụng trở lại trên những tàu hàng lớn để phục vụ trong ngành giao thương hàng hải. Điều này không chỉ giúp các tàu hàng giảm đáng kể lượng khí thải gây ô nhiễm mà còn giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu.


Đây là chiếc tàu hàng Pyxis Ocean của công ty vận tải Cargill có trụ sở tại bang Minnesota, nước Mỹ. Khác với những chiếc tàu hàng thông thường, nó còn được trang bị 2 cánh buồm lớn có tên WindWings do hãng công nghệ BAR Technologies của Anh thiết kế. Cánh buồm được chế tạo từ loại vật liệu có độ bền cao vốn được dùng để sản xuất cánh quạt của turbine gió.
Với chiều cao gần 40 mét, cánh buồm này có thể gập xuống mỗi khi tàu ra vào cảng và trên hết là nó giúp tàu tận dụng tối đa sức gió trên đại dương trong những chuyến hải trình dài.
“Tàu Pyxis Ocean là một dự án thí điểm mà chúng tôi đang thực hiện với các đối tác. Về cơ bản, đôi cánh cứng WindWings giúp đẩy con tàu, tiết kiệm nhiên liệu và hạn chế lượng khí CO2 thải ra từ con tàu này. Đây là một biện pháp tối ưu và thân thiện môi trường trong ngành vận tải biển.”
Cũng theo công ty vận tải Cargill, chuyến hải trình đi từ Trung Quốc đến Brazil là cuộc thử nghiệm thực tế đầu tiên đối với cánh buồm WindWings. Việc lắp đặt cánh buồm này nhằm tận dụng triệt để năng lượng gió, thay vì chỉ dùng động cơ của tàu như trước đây.
“Bạn biết đấy, ngành hàng hải cũng đối mặt với thách thức khử cacbon. Mặc dù không thể giải quyết hoàn toàn khí thải, song cánh buồm WindWings là một bước đi đúng hướng. Những con tàu được trang bị cánh buồm này sẽ giúp tiết kiệm được từ 30%, thậm chí 40% mức nhiên liệu tiêu thụ.”
Ngoài cánh buồm WindWings, hồi tháng 7 vừa qua, công ty khởi nghiệp Beyond The Sea của Pháp đã thử nghiệm một chiếc thuyền sử dụng cánh diều cỡ lớn, tận dụng sức gió. Cánh diều này được cho là giúp tiết kiệm được 20% lượng nhiên liệu tiêu thụ.


Trong bối cảnh ngành vận tải biển đóng góp gần 3% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu và dự báo sẽ tăng lên 17% vào năm 2050 do nhu cầu vận chuyển hàng hóa gia tăng, những phương thức vận tải mới như trên được kỳ vọng sẽ là chìa khóa cho các mục tiêu khử cacbon của ngành vận tải biển trong tương lai.

Quốc Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *