Nhật Bản là một trong những quốc gia xem trọng nghệ thuật thư pháp và đã nâng nghệ thuật này thành một phương pháp rèn luyện để tu tâm, dưỡng tính, gọi là Thư đạo. Năm nay, xứ sở hoa anh đào có kế hoạch đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) xem xét đưa Thư đạo vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Bốn vật phẩm quan trọng để viết thư pháp gồm giấy, nghiên, bút và mực. Trong đó, mực và bút lông dùng trong Thư đạo rất đặc biệt và thuộc hàng đắt tiền nhất thế giới.
Như một truyền thống, vào những ngày đầu năm mới, các ngôi chùa, đền thờ ở Nhật Bản thường tổ chức viết thư pháp với mong muốn mọi người tĩnh tâm, nghiêm túc nghĩ về những điều họ quan tâm khi đặt bút viết chữ.
Trong Thư đạo, các nghệ nhân thường sử dụng các thỏi mực đen. Mực thư pháp của Nhật Bản có giá đắt là do quá trình sản xuất đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và sự kiên nhẫn của người thợ. Họ cho các nguyên liệu vào lò để nấu chảy ở nhiệt độ cao_ rồi để nguội. Quá trình này kéo dài khoảng 07 đến 08 ngày. Sau đó, vật liệu lỏng được trộn với bột và keo để tạo ra hỗn hợp dẻo như đất sét. Hỗn hợp này được nhào nặn thủ công trước khi cho vào khuôn đúc để định hình thỏi mực. Mực cao cấp được làm từ than củi vì có màu đen đẹp, dễ thấm hút trên giấy và lâu phai màu.
“Mực viết thư pháp của Nhật Bản đặc biệt hơn so với những loại mực nước khác vì nó có độ mịn, bóng, dễ tạo nên độ dày và sắc cạnh, mượt mà của chữ viết trên giấy.”
Bên cạnh mực thì chất lượng bút lông (hay cọ) cũng rất được chú trọng trong Thư đạo. Bút lông có nhiều loại với kích cỡ khác nhau và sử dụng vật liệu khác nhau. Chẳng hạn, loại lông mềm như lông dê được sử dụng khi viết kiểu chữ mềm mại, ngược lại lông cứng như lông chồn, lông ngựa,…được dùng để viết chữ cứng, mạnh mẽ. Mỗi cây bút lông dành cho các nghệ nhân Thư đạo có thể có giá hơn 147.000 yen Nhật (tức trên 24 triệu đồng Việt Nam). Bởi lẽ, những cây bút lông này được sản xuất thủ công rất cẩn thận nhằm tạo nên những nét bút hoàn hảo.
“Có những lúc tôi muốn tạo ra những nét nhỏ chỉ khoảng 5 mm. Sự khác nhau rất nhỏ trong độ đậm hoặc sự mềm mại của nét chữ cũng tạo nên sự khác biệt cho tác phẩm thư pháp. Do đó, bút lông đóng vai trò rất quan trọng.”
Những nghệ nhân Thư đạo cho rằng việc chọn mực và bút lông tốt sẽ góp phần quyết định vào chất lượng tác phẩm tranh chữ, đồng thời cho thấy thái độ cẩn trọng của họ đối với bộ môn nghệ thuật này.
Thuận Hải