Mèo Hello Kitty là một trong những biểu tượng được yêu thích nhất không chỉ ở Nhật Bản mà trên khắp thế giới. Hình ảnh mèo Hello Kitty xuất hiện trên nhiều sản phẩm được bán rộng rãi trên toàn cầu, mang về doanh thu hàng tỷ đôla Mỹ mỗi năm cho Sanrio, công ty giới thiệu cô mèo dễ thương này lần đầu tiên vào ngày 01/11/1974.
Mới đây, mèo Hello Kitty đã bước sang “tuổi 50” với sức hút được đánh giá là chưa bao giờ giảm sút trong hành trình “chinh phục” thế giới với sự đáng yêu của mình.
Mèo Hello Kitty, còn được biết đến với tên gọi Kitty White, là một nhân vật hư cấu do nhà thiết kế Yuko Shimizu của công ty Sanrio tạo ra. Hình ảnh cô mèo không có miệng với chiếc nơ đỏ bên tai đáng yêu này đã chiếm trọn trái tim của bao thế hệ, cũng như trở thành một phần của văn hóa đại chúng trên toàn cầu.
Lý giải điều này, các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng do thiếu vắng đặc điểm biểu cảm trên gương mặt của Hello Kitty nên mỗi người có thể cảm nhận về cô mèo theo cách riêng của mình. Không có nụ cười, sự ngạc nhiên hay giận dữ, khuôn mặt không biểu đạt một cảm xúc rõ rệt nào của mèo Hello Kitty cho phép người sử dụng tự “thêm vào” bằng những cảm xúc của chính họ.
Bà Helen, 50 tuổi, sống ở bang California của Mỹ, chia sẻ bà đam mê Hello Kitty đến mức bà có riêng hẳn một căn phòng màu hồng để chứa hàng chục ngàn món đồ sưu tập về cô mèo xinh xắn và đáng yêu này.
Bà HELEN – Người dân Mỹ cho biết:
“Có người nghĩ Hello Kitty chỉ dành cho trẻ con, nhưng với tôi thì khác. Mỗi khi ở bên những món đồ có hình ảnh mèo Hello Kitty, tôi cảm thấy rất ấm áp.”
Không chỉ vậy, mèo Hello Kitty còn là hiện tượng văn hóa được các ngôi sao như Lady Gaga, Nicki Minaj, Katy Perry, Avril Lavigne yêu thích. Ca sĩ Avril Lavigne thậm chí có bài hát về mèo Hello Kitty với những ca từ như “ka-ka-ka-kawaii,” tức dễ thương.
Giáo sư Michiko Shimizu, làm việc tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kansai ở thành phố Miki, tỉnh Hyōgo, Nhật Bản, tự gọi mình là “Kitt-ler”, có nghĩa là người hâm mộ nhiệt thành của Hello Kitty.
Giáo sư Michiko Shimizu
Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kansai (Nhật Bản) cho biết:
“Những gì có liên quan đến Hello Kitty tôi đều mua. Cục tẩy của tôi, bút chì của tôi đều có hình ảnh của cô mèo này. Nhiều người hỏi rằng tôi mua bao nhiêu món đồ Hello Kitty rồi, tôi trả lời là không thể nhớ hết nổi.”
Giáo sư Christine Yano, làm việc ở Đại học Hawaii của Mỹ và là tác giả của cuốn sách “Toàn cầu hóa Hồng: Hành trình xuyên Thái Bình Dương của Hello Kitty” giải thích trong bối cảnh cuộc sống hiện đại có nhiều căng thẳng, có lẽ chúng ta cần cô mèo Hello Kitty hơn bao giờ hết.
Giáo sư Christine Yano
Đại học Hawaii (Mỹ) cho biết thêm:
“Hello Kitty có thể làm chúng ta mỉm cười, giúp chúng ta cảm thấy ấm áp bên trong, và nhận ra rằng thế giới vẫn còn nhiều điều tươi đẹp.”
50 năm kể từ lần đầu tiên xuất hiện, cô mèo Hello Kitty vẫn là một trong những biểu tượng văn hóa dễ nhận biết nhất thế giới.
Giáo sư Michiko Shimizu
Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kansai (Nhật Bản) thì cho rằng:
“Tôi muốn nói lời cảm ơn cô mèo Hello Kitty đã ở bên tôi suốt 50 năm qua, như một người bạn thân thiết, mang lại hạnh phúc cho tôi. Khi không có cô mèo ấy ở đây, tôi cảm thấy như thiếu vắng điều gì đó.”.
Thanh Sang