Các nhà nghiên cứu làm việc tại trường đại học Oxford của Anh vừa cho ra đời vật liệu mang nhiều đặc tính của mô sống nhờ vào máy in 3 chiều đặc biệt. Họ hy vọng vật liệu mới này có thể được sử dụng để thay thế mô người bị tổn thương trong một tương lai gần.
Những giọt nước trong thí nghiệm máy in 3 chiều của Gabriel Villar
Máy in 3 chiều này do nghiên cứu sinh Gabriel Villar thiết kế. Thiết bị được giao nhiệm vụ in những giọt bé nhỏ với thành phần không chỉ là nước mà còn nhiều vật liệu khác nhau, như protein chẳng hạn. Những giọt bé nhỏ ấy sau đó chìm vào bình chứa dầu, nơi chúng kết hợp lại nhờ sự trợ giúp của các lipid xuất hiện một cách tự nhiên theo khuôn mẫu được xác định từ trước, hình thành nên mạng lưới các dây thần kinh nhân tạo, có khả năng truyền dẫn các tín hiệu điện như hệ thần kinh sinh học vậy.
Những giọt bé nhỏ có thể được gấp lại theo các hình dạng 3 chiều khác nhau sau khi in. Trong thử nghiệm của mình, các nhà khoa học thêm thuốc nhuộm màu cam và màu xanh vào những giọt nước để minh họa cách thức nhiều vật liệu khác nhau xây dựng nên mạng lưới các dây thần kinh nhân tạo như thế nào.
Hiện họ chưa tìm ra cơ chế để những giọt bé nhỏ kết hợp với mô khỏe mạnh trong cơ thể người. Tuy nhiên, họ cho biết vẫn có khả năng để những giọt bé nhỏ ấy ngấm vào những phân tử ràng buộc tế bào vốn có mặt trong các màng tế bào sống, giúp mô tổng hợp hòa nhập liền một mạch với mô thật.
Do mạng lưới tổng hợp không có hệ gene, không có khả năng sao chép nên có thể tránh được những vấn đề có liên quan đến việc tạo nên mô nhân tạo mà những phương pháp khác thường gặp phải.
Có một vấn đề đáng lưu ý là vật liệu do máy in 3 chiều tạo ra không phải là bản sao trung thành của mô mà là cấu trúc có khả năng thực hiện những chức năng của mô trong cơ thể người.
Thanh Sang