Nhiều người cứ nghĩ sinh vật sống có bộ gen lớn nhất thế giới là những loài vật khổng lồ như cá voi xanh, voi châu Phi, hay cây gỗ đỏ cổ thụ. Thế nhưng, kết quả một nghiên cứu gần đây cho thấy  “vinh dự” này thuộc về một loài dương xỉ nhỏ mọc ở vùng lãnh thổ hải ngoại New Caledonia của Pháp, phía Tây Nam Thái Bình Dương.
Các nhà nghiên cứu Anh đã đo kích thước bộ gen, tức toàn bộ thông tin di truyền của sinh vật, ở khoảng 20.000 sinh vật sở hữu nhân được thu thập vào năm ngoái trên đảo Grande Terre ở New Caledonia. Họ kiểm đếm số lượng các cặp bazơ, đơn vị cơ bản của ADN, trong nhân tế bào của sinh vật để xác định kích thước bộ gen.
Theo đó, loài dương xỉ Tmesipteris oblanceolata có bộ gen lớn nhất, vượt hơn 7% so với loài Paris japonica, một loài hoa bản địa của Nhật Bản từng giữ kỷ lục trước đó, và gấp 50 lần kích thước bộ gen của con người. Nếu kéo dài ra thì chiều dài ADN trong mỗi tế bào của cây dương xỉ này có thể lên tới hơn 105 mét, trong khi bộ gen người chỉ dài chừng 2 mét. Loài Tmesipteris oblanceolata thuộc một họ dương xỉ có dòng dõi tiến hóa tách ra khỏi các loài dương xỉ khác vào khoảng 350 triệu năm trước. Ngày nay, loài thực vật này mọc chủ yếu ở New Caledonia và các đảo lân cận như Vanuatu. Tuy nhiên, theo giới nghiên cứu, bộ gen lớn không có lợi. Những loài có bộ gen lớn hơn có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn.
Bộ gen của loài dương xỉ nhỏ này có kích thước lớn hơn khoảng 6.000 lần so với bộ gen của cá voi xanh, khoảng 4.650 lần so với voi châu Phi, và khoảng 1.500 lần so với cây gỗ đỏ khổng lồ. 3 loài sinh vật này lần lượt là loài động vật dưới nước lớn nhất; động vật trên cạn lớn nhất, và loài thực vật lớn nhất trên Trái đất.

Tường Vân   

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *