Kỹ thuật – chìa khóa giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên khắp châu Á
21/05/2013Mặc dù đã có những tiến bộ vượt bậc về phát triển kinh tế trong những năm gần đây, nhưng châu Á vẫn là châu lục còn nhiều nghèo khó. Mới đây, trong khuôn khổ hội nghị thường niên lần thứ 46 của Ngân hàng Phát triển châu Á diễn ra tại Ấn Độ, các chuyên gia công nghệ tham gia chương trình “Ứng dụng cho châu Á – Thiết kế lại sự phát triển” cho rằng kỹ thuật là chìa khóa giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên khắp lục địa này.
Với chương trình trên, các chuyên gia công nghệ hy vọng giới chức trong lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng và quản lý của châu Á sẽ nhận thấy tiềm năng phát triển từ việc hiện đại hóa các hệ thống hiện có nhờ vào các ứng dụng. Có một thực trạng là tại nhiều bệnh viện ở Ấn Độ, hồ sơ bệnh án của bệnh nhân thường được viết trên giấy và xếp thành từng chồng cao ngất, gây không ít phiền toái cho những bệnh nhân cần điều trị lâu dài như ung thư hay tiểu đường. Bởi lẽ, nhân viên y tế khó có thể bảo quản tốt và theo dõi sát sao hồ sơ bệnh án của họ.
Vì vậy, các chuyên gia công nghệ đến từ trường Đại học Sydney của Australia đã cho ra đời Project Blue Clover, ứng dụng quản lý bệnh tiểu đường chạy trên nền tảng Windows Phone, giúp người dùng ghi nhận và giám sát chế độ ăn uống của mình một cách nhanh chóng và dễ dàng qua việc quét mã vạch hay hình ảnh. Ứng dụng còn có chức năng cảnh báo người dùng khi lượng đường glucose trong máu thấp bất thường.
Project Blue Clover, ứng dụng quản lý bệnh tiểu đường chạy trên nền tảng Windows Phone.
Một ứng dụng khác có liên quan đến sức khỏe đáng chú ý nữa là ứng dụng liên kết người hiến máu với người cần truyền máu do Joel Barquez, người Philippines, phát triển. Philippines đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 400.000 đơn vị máu mỗi năm. Điều này có nghĩa là hàng chục ngàn bệnh nhân nơi đây không nhận được máu khi cần.
Ứng dụng liên kết người hiến máu với người cần truyền máu do Joel Barquez, người Philippines, phát triển.
Còn Jang Yong Hyun, đến từ Hàn Quốc, thì giới thiệu Mapi, ứng dụng tích hợp kỹ thuật bản đồ GPS với camera điện thoại thông minh. Mapi được cho là đặc biệt hữu ích ở những vùng có cơ sở hạ tầng nghèo nàn.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng đang muốn thay thế sách giáo khoa bằng máy tính bảng tại các trường học. Vấn đề hiện nay nằm ở chỗ: để 1,7 tỷ người với mức sống chưa tới 2 đôla Mỹ mỗi ngày trên khắp châu Á – Thái Bình Dương tiếp cận công nghệ không phải là chuyện dễ dàng.
Thanh Sang