Tại Indonesia, ngày càng nhiều du khách lựa chọn rừng ngập mặn là điểm đến cho các chuyến du lịch. Qua những chuyến đi như vậy, họ khám phá lợi ích của rừng ngập mặn cũng như chung tay góp sức trồng cây đước.
Không còn âm thanh đô thị ồn ào, chị Connie Sihombing thong thả chèo thuyền qua vùng nước của Công viên bảo tồn thiên nhiên Angke Kapuk. Đây là khu rừng ngập mặn yên tĩnh nằm dọc bờ biển phía Bắc thủ đô Jakarta.
“Tôi yêu thiên nhiên. Tôi đã đi nhiều nơi nhưng không biết rằng gần nhà lại có công viên xinh đẹp và hấp dẫn thế này.”
Tình trạng khai thác nước ngầm quá mức là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sụt lún đất ở Jakarta, khiến thành phố này trở thành một trong những đô thị “chìm” nhanh nhất thế giới. Và, rừng ngập mặn chính là chìa khóa chống thủy triều dâng nhanh. Cũng như chị Connie Sihombing, ngày càng nhiều du khách lựa chọn du lịch sinh thái, theo đó họ chèo thuyền kayak qua rừng ngập mặn và trồng cây đước. Đây là dấu hiệu cho thấy công chúng đang quan tâm nhiều hơn đến rừng ngập mặn.
“Rừng ngập mặn có thể hấp thụ nhiều kim loại nguy hiểm cũng như cải thiện chất lượng không khí. Chúng tôi muốn có không khí sạch, nước sạch. Đó là lý do chúng tôi chọn rừng ngập mặn là điểm đến cho các chuyến du lịch.”
Ông / Muhammad Saleh Alatas là huấn luyện viên chèo thuyền kayak, cũng là chủ Trung tâm Chèo thuyền ở rừng ngập mặn. Người đàn ông này hy vọng các tour chèo thuyền ở rừng ngập mặn của ông có thể truyền cảm hứng cho các nhà cung cấp dịch vụ du lịch khác.
“Rất nhiều người dân và doanh nghiệp đốn hạ những khu rừng ngập mặn rồi xây dựng một điểm du lịch bên trên bằng cách đổ cát để làm bãi biển nhân tạo. Điều đó đi ngược lại với việc bảo tồn thiên nhiên. Chúng ta vẫn có thể phát triển du lịch từ rừng ngập mặn theo kiểu du lịch sinh thái như thế này.”
Theo các chuyên gia, dù kinh phí tài trợ của chính phủ đã tăng lên trong 5 năm qua, thì vẫn cần sự hỗ trợ từ các tổ chức tư nhân và các tổ chức phi chính phủ để khôi phục những mảng rừng ngập mặn bị tàn phá. Năm ngoái, Bộ môi trường và Lâm nghiệp Indonesia đã khởi động chương trình phục hồi rừng ngập mặn tham vọng nhất thế giới, với 600.000 hecta vào năm 2024.
Thảo Phương