Các nhà khoa học vừa công bố hóa thạch của con cá voi được khai quật cách nay 13 năm ở Peru thuộc loài Perucetus colossus. Loài cá voi khổng lồ này sống cách đây khoảng 38 đến 40 triệu năm. Với trọng lượng lên đến 340 tấn, đây được cho là sinh vật nặng nhất trên Trái đất từ trước đến nay.
Hóa thạch của con cá voi Perucetus colossus được tìm thấy vào năm 2010 ở sa mạc Ica, nơi từng phát hiện nhiều hóa thạch của các loài sinh vật biển.
Theo nghiên cứu, mỗi đốt sống của con cá voi thời tiền sử này nặng hơn 100 kg, trong khi xương sườn của nó dài đến 1,4 mét. Ước tính, tổng chiều dài bộ xương của con cá voi Perucetus colossus là khoảng 20 mét và cả cơ thể của nó nặng chừng 340 tấn. Trong khi đó, khủng long cổ dài Argentinosaurus sống cách đây khoảng 95 triệu năm ở Argentina và được xếp hạng là loài khủng long nặng nhất, ước tính nặng khoảng 76 tấn. Còn cá thể cá voi xanh lớn nhất thế giới được biết đến hiện nay nặng khoảng 190 tấn, với chiều dài 33,5 m
Do không tìm thấy hóa thạch xương sọ hoặc răng, nên việc nghiên cứu chế độ ăn uống và lối sống của loài Perucetus colossus trở nên khó khăn. Các nhà khoa học cho rằng loài này thường kiếm ăn gần đáy của vùng biển nông. Thức ăn của chúng có thể là động vật thân mềm và giáp xác.
Thanh Trúc