Không chỉ là món đồ chơi xinh xắn mà những quả cầu thêu tay, hay temari, còn được xem như vật gia truyền quý giá, mang đậm nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Tỉnh Kagawa, nằm trên đảo Shikoku, nổi tiếng với nghề làm temari. Nhiều năm qua, các nghệ nhân nơi đây vẫn nỗ lực nâng cao tay nghề, đồng thời không quên truyền lại kỹ nghệ này cho thế hệ trẻ.
Tại xưởng sản xuất temari trên phố Kawaramachi ở thành phố Takamatsu, thuộc tỉnh Kagawa, một nhóm phụ nữ đang chăm chỉ làm việc. Họ tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ nhằm tạo ra các hoa văn đa dạng trên quả cầu.
“Quả cầu thêu truyền thống temari của Nhật Bản có lịch sử hơn 1.000 năm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, nghệ thuật chế tác quả cầu temari ở Kagawa thì xuất hiện trong thời kỳ Edo từ năm 1603 đến năm 1868.”
Với các họa tiết hình học đầy màu sắc, những quả cầu thêu tay tinh xảo này từng là món đồ chơi yêu thích của nhiều thế hệ trẻ em Nhật Bản. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các loại bóng cao su vào thập niên 1860 đã khiến temari không còn thịnh hành, số nghệ nhân chế tác loại quả cầu này cũng vì thế mà ít dần. Để bảo tồn nghề thủ công của địa phương, năm 1983, nghệ nhân Kazuo Araki và vợ ông đã thành lập hội bảo tồn nghệ thuật chế tác temari ở Kagawa, mở các khóa đào tạo nhằm truyền lại kỹ thuật này cho lớp trẻ. Hiện con dâu của ông là nghệ nhân Eiko Araki đang kế thừa truyền thống của gia đình.
“Điều khó khăn nhất là chăm bồi những người kế thừa. Thông thường phải mất hơn 10 năm để đào tạo.”
Để có một quả cầu thêu với những họa tiết hoàn hảo, các nghệ nhân phải mất nhiều tuần lễ, thậm chí vài tháng mới hoàn thành.
“Phần khó nhất là làm lõi của quả cầu. Các nghệ nhân sử dụng giấy mỏng bọc một ít vỏ trấu, rồi dùng chỉ quấn quanh nó cho đến khi có được quả cầu tròn trịa. Ngay cả những người lành nghề đôi khi cũng quấn lõi không tròn.”
Từ phần lõi này, các nghệ nhân sẽ tiếp tục quấn chỉ màu xung quanh. Sau khi tạo ra quả cầu tròn cơ bản, họ tiếp tục dùng kim chỉ để thêu các hoa văn lên đó, tạo ra những kiểu temari đa dạng. Các quả cầu nhỏ như trái cam này còn đáng quý ở chỗ chúng được sản xuất từ các loại vật liệu thân thiện với môi trường, chẳng hạn như chỉ bằng sợi bông, màu nhuộm chiết xuất từ các loại thảo mộc tự nhiên…
Trong nỗ lực bảo tồn nghề làm temari truyền thống, nghệ nhân Eiko Araki cũng đã sáng tạo nhiều kiểu dáng, chức năng khác nhau cho quả cầu, bao gồm temari trang trí cây thông Noel, temari làm móc khóa, túi thơm… giúp chúng trở nên gần gũi hơn với cuộc sống hằng ngày, chứ không chỉ là vật gia truyền như ngày trước.
Tường Vân