Thủ đô Rabat của Ma-rốc được xem là điểm đến lý tưởng dành cho những ai yêu thích kiến trúc cổ. Với nhiều công trình cổ kính, mang giá trị thẩm mỹ cao, Rabat đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới. Ngày nay, phong cách kiến trúc truyền thống vẫn được gìn giữ tại Rabat cũng như nhiều thành phố khác của Ma-rốc, kết hợp những yếu tố hiện đại.
Nằm ở khu vực Bắc Phi, giáp với Đại Tây Dương và Địa Trung Hải, Ma-rốc mang dấu ấn của sự giao thoa giữa văn hóa châu Âu, châu Phi và vùng Ả-rập. Điều đó được thể hiện qua kiến trúc khi nhiều công trình tại thủ đô Rabat và nhiều thành phố khác của nước này cho thấy sự kết hợp giữa nét cổ kính và hiện đại.
“Với vị trí địa lý chiến lược, Ma-rốc từng lưu dấu nhiều nền văn minh, như La Mã, Hồi giáo Ả-rập… tất cả đã để lại ảnh hưởng lên các công tình kiến trúc nơi đây.”
Phong cách kiến trúc truyền thống của Ma-rốc có nét đặc trưng là thiết kế nhiều chi tiết hình vòm, trang trí bằng các phù điêu, họa tiết hình học, kết cấu đục lỗ… với những gam màu chủ đạo như nâu, trắng – màu của đất và cát.
Tại Rabat, không chỉ những công trình có từ hàng thế kỷ qua, mà nhiều tòa nhà hiện đại cũng thể hiện phong cách này.
Chẳng hạn như Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Mohammed VI, được khánh thành vào năm 2014, với ảnh hưởng từ kiến trúc Hồi giáo truyền thống và kiến trúc Tây Ban Nha, Pháp… Các tòa nhà mới gần đó cũng thể hiện phong cách thiết kế tương tự.
“Thành phố Rabat đang có nhiều dự án kiến trúc hiện đại quan trọng sẽ mang đến giá trị mới cho kiến trúc của thành phố, nhưng vẫn lấy ý tưởng từ phong cách trang trí và kiến trúc truyền thống.”
“Nếu không có sự tiếp nối của các thế hệ, phong cách kiến trúc này sẽ không thể trường tồn.”
Những năm gần đây, xu hướng quay trở lại sử dụng các vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường trong xây dựng cũng ngày càng trở nên phổ biến ở Ma-rốc.
Có thể nói, ngành kiến trúc Ma-rốc đang trên hành trình phát triển bền vững với sự hòa hợp của nét truyền thống và hiện đại.
Tuấn An