Các khu rừng tảo bẹ là một loại hệ sinh thái quan trọng ở nhiều vùng biển trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều khu rừng tảo bẹ đã bị hủy hoại do chịu tác động của biến đổi khí hậu và các loài ngoại lai xâm lấn. Tại vùng biển ngoài khơi của Bồ Đào Nha, một dự án phục hồi rừng tảo bẹ đang được triển khai và mang đến nhiều thành công.
Dự án do tổ chức bảo vệ môi trường SeaForester của Bồ Đào Nhà hợp tác với tổ chức Mossy Earth có trụ sở tại Anh triển khai ở các vùng biển ngoài khơi thị trấn Cascais và thị trấn /Pơ-ni-sơ/ Peniche, miền Trung Bồ Đào Nha.
Nhóm bảo tồn sử dụng phương pháp nhân giống cây tảo bẹ con trên sỏi và các hòn đá nhỏ trong phòng nuôi cấy trên đất liền.
Sau khi cây tảo con bám rễ và phát triển ổn định trên các viên sỏi, nhóm bắt đầu mang số sỏi này rải xuống đáy biển. Trên khu vực có diện tích khoảng 2.500 mét vuông, nhóm thả hơn 25 ngàn viên sỏi có cây giống tảo bẹ. Cây con sẽ nhanh chóng phát triển từ các viên sỏi này để phủ xanh khu vực đáy biển trong vùng.
Các khu rừng tảo bẹ là hệ sinh thái quan trọng, có vai trò khá giống với các rạn san hô trong việc cung cấp nguồn thức ăn và nơi sinh sản cho nhiều loài sinh vật biển. Các khu rừng tảo bẹ còn góp phần chống xói mòn và bảo vệ bờ biển trước tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.
Thảo Phương