Ở vùng biển ngoài khơi phía Bắc của đảo Nusa Penida, Indonesia có một khu vực san hô bị tàn phá nặng nề do tác động của con người. Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu Indonesia và Anh đã hợp tác triển khai dự án phục hồi rạn san hô tại đây bằng cách thức mới nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.
San hô ở ngoài khơi đảo Nusa Penida từng bị tàn phá nặng nề vào thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 do nạn đánh bắt hải sản bằng chất nổ trong khu vực. Hiện nay, vấn nạn này đã chấm dứt. Dù vậy, san hô vẫn không thể phục hồi do chịu tác động quá nặng nề trước đây.
Nhóm các nhà bảo vệ môi trường tại địa phương đã hợp tác với tổ chức môi trường Mossy Earth có trụ sở tại Anh để phục hồi san hô trong vùng. Họ đã tạo ra các khung sắt nhỏ có đường kính khoảng nửa mét để lắp đặt trên đáy biển. Số khung sắt này giúp san hô non có chỗ bám trong nước, tránh khu vực đáy biển nơi có nhiều mảnh vụn san hô do các vụ nổ trong quá khứ gây ra. Các khung kim loại được phủ lên một lớp nhựa cây và cát để bảo vệ trước tình trạng ăn mòn.
Theo ban quản lý dự án, họ đã lắp đặt khoảng 5 ngàn khung sắt để phục hồi san hô trong khu vực có diện tích gần 1 hecta. Ngoài ra, để đẩy nhanh quá trình phục hồi, nhóm đã nhân giống san hô non trên bờ để ghép vào rạn san hô nhân tạo này.

Đức Tài

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *