Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm không khí tại nhiều thành phố lớn trên thế giới đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, vừa qua, giáo sư Matthew Johnson, một nhà nghiên cứu ở trường đại học Copenhagen, Đan Mạch đã cho ra mắt một thiết bị có thể thúc đẩy cơ chế tự làm sạch của không khí. Thiết bị này đang mở ra hy vọng cải thiện chất lượng không khí tại các thành phố nhờ khả năng làm sạch khí ô nhiễm chỉ trong vài giây.
Là một nhà hóa học khí quyển, giáo sư Johnson đã dành nhiều năm để nghiên cứu các cơ chế tự làm sạch khác nhau của tự nhiên. Giáo sư Johnson tin rằng, phát minh của ông có thể giúp ngành công nghiệp thế giới đối phó với tình trạnh ô nhiễm nặng nề như hiện nay.
Thiết bị thúc đẩy cơ chế tự làm sạch không khí của giáo sư Johnson
Trong tự nhiên, quá trình tự làm sạch không khí được kích hoạt bởi ánh sáng mặt trời. Theo đó, khí gây ô nhiễm sau khi bị ánh sáng mặt trời đốt nóng sẽ bay lên cao. Khi gặp ozone, các hóa chất độc hại bên trong nó bắt đầu bị oxi hóa và liên kết với nhau. Sau đó, các chất ô nhiễm sẽ bị nước mưa thu giữ. Vì vậy Giáo sư Johnson đã phát minh ra một thiết bị có thể hoạt động tương tự như quá trình này nhưng nhanh hơn rất nhiều.
Giáo sư Johnson cho biết: "Chúng ta có thể thúc đẩy quá trình làm sạch không khí bằng cách đưa thêm khí ozone vào thiết bị cũng như tạo ra ánh sáng mặt trời nhân tạo bằng các đèn chiếu tia UV. Sau đó, khí ô nhiễm sẽ được dẫn qua thiết bị này để oxi hóa các chất độc hại và lọc bỏ bằng nước. Cuối cùng, nước ô nhiễm sẽ được đưa vào môi trường tĩnh điện để thu giữ những chất có hại. Như vậy, với thiết bị này, chúng ta có thể làm sạch không khí ngay lập tức mà không phải thu giữ chúng để xử lý."
Theo giáo sư Johnson, phương pháp này có thể giúp loại bỏ khói bụi từ sản phẩm đốt cháy các khí tự nhiên như xăng, dầu diesel, các dung môi hữu cơ khác hay khử mùi trong các nhà máy sản xuất thức ăn, lò giết mổ….
Điều khiến phát minh mới này khác với các thiết bị lọc không khí truyền thống là nó làm sạch không khí thực sự chứ không phải làm loãng khí ô nhiễm. Johnson cho biết, thiết bị của ông tốn khá ít năng lượng và sẽ được thiết kế lại để có kích thước nhỏ gọn hơn. Theo Giáo sư Johnson, với thiết bị mới này, các nhà máy, xí nghiệp trong tương lai sẽ không thải khí ô nhiễm ra môi trường mà thay vào đó là lọc sạch chúng ngay bên trong cơ sở sản xuất.
Minh Thái