Nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ kỹ thuật số ngày nay, một loại hình nghệ thuật mới đã ra đời, làm thay đổi cách thức trưng bày, triển lãm. Đó là nghệ thuật tương tác. Tiếp nối chương trình hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nghệ thuật hấp dẫn này.
Nghệ thuật tương tác, hay còn gọi nghệ thuật nhập vai, là một lĩnh vực mới nổi, cho phép các nghệ sĩ vượt qua mọi ranh giới, đưa khách tham quan vào một thế giới kỳ ảo mà trong đó họ có thể tương tác với các tác phẩm hay trở thành 1 phần của bối cảnh ấy. Công ty teamLab có trụ sở chính tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản hiện là một cái tên nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực nghệ thuật này. Họ có thể biến cả khu rừng thành một cuộc triển lãm kỹ thuật số, một sân chơi đầy mê hoặc khi đêm xuống.
Bước vào đó, khách tham quan như quay lại thời điểm cách đây 3 ngàn năm. Những hiệu ứng mang đến các luồng ánh sáng nhảy múa kết hợp cùng âm thanh sống động hòa quyện với cảnh quan tự nhiên hùng vĩ nơi đây mang đến cho người xem cảm giác rất chân thật.
“Tôi mong muốn tạo ra một cuộc triển lãm mà trong đó tôi có thể thúc giục nâng cao nhận thức về vẻ đẹp của thiên nhiên thông qua các tác phẩm của mình, điều mà chúng ta thường ít quan tâm tới. Tôi hy vọng khi dạo qua những con đường mòn này, người xem có thể cảm nhận được vẻ đẹp của từng tảng đá, tàng cây hay những sinh vật sống khác.”
TeamLab là một công ty nghệ thuật tập thể quốc tế, quy tụ những chuyên gia nhiều ngành khác nhau gồm nghệ sĩ, lập trình viên, kỹ sư, họa sĩ đồ họa hoạt hình, các nhà toán học, kiến trúc sư. Đến nay, teamLab đã tiến hành nhiều cuộc triển lãm số hoành tráng ở Nhật Bản và nhiều nơi trên toàn thế giới.
Bảo tàng trong nhà đầu tiên của teamLab mang tên Planets được mở tại Tokyo, Nhật Bản từ năm 2018. Theo ông Takashi Kudo, mục tiêu hàng đầu của cơ sở này là tạo ra một thế giới tác động đến mọi giác quan của người xem gọi là “tương tác toàn thân”, bởi nghệ thuật nơi đây không chỉ mang lại cái nhìn. Đến với bảo tàng này, khách tham quan đi chân trần, đắm chìm cả cơ thể và tâm trí trong các tác phẩm nghệ thuật rộng lớn hòa quyện cùng những hiệu ứng âm thanh, ánh sáng. Sự hiện diện của từng người xem _ tạo nên một cá thể trong thế giới sống động của nghệ thuật. Khi ấy, giữa con người và các tác phẩm nghệ thuật như thể không còn ranh giới.
“Những công nghệ để trình diễn nghệ thuật như máy chiếu, đèn LED, ảnh hologram có thể trở nên bình thường, nhưng khái niệm căn nguyên giúp khám phá mối tương quan giữa con người và thế giới chung quanh vẫn giữ nguyên giá trị đến 20 năm nữa.”
Với quan niệm đó, công ty teamLab tin rằng loại hình nghệ thuật tương tác sẽ tiếp tục phát triển và làm thay đổi cách thức mà chúng ta thưởng thức nghệ thuật.
Phúc Châu