Dế và nhiều loài côn trùng khác được ưa chuộng như món ăn đường phố ở một số quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, ở Singapore, nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng này mới bắt đầu được người dân đón nhận thời gian gần đây sau khi Cơ quan Thực phẩm Singapore cho phép các doanh nghiệp, nhà hàng kinh doanh 16 loài côn trùng dưới dạng thực phẩm từ tháng 7 vừa qua. Côn trùng được kỳ vọng sẽ giúp đa dạng hóa nguồn thực phẩm tại Singapore, đảo quốc đang phải nhập khẩu hơn 90% lương thực, thực phẩm.
Nhà hàng House of Seafood ở Singapore mới đây đã đưa côn trùng vào thực đơn với những món ăn hấp dẫn như cơm rang dế, thịt xiên nướng ăn kèm với dế chiên giòn, mì ống nấu với sâu bột. Nhà hàng này nằm trong số ngày càng nhiều cơ sở ở Singapore giới thiệu những món ăn từ côn trùng sau khi nước này mới đây đã cho phép sử dụng côn trùng làm thực phẩm nhằm hướng tới nguồn thực phẩm bền vững. Nhiều thực khách tỏ ra thích thú và cho biết sẵn sàng ăn những món chế biến từ côn trùng trong bữa ăn hàng ngày.
“Dế ăn giống như tôm khô vậy. Nếu ăn món này trong lúc nhắm mắt, có thể tôi sẽ không nhận ra là đang ăn dế.”
Ông Francis Ng, chủ nhà hàng House of Seafood, cho biết nhà hàng này đang sử dụng côn trùng nhập khẩu từ Thái Lan. Ông hy vọng có thể tự nuôi côn trùng theo mô hình trang trại thẳng đứng.
“Phản hồi của khách hàng rất tốt. Rất nhiều người gọi cho tôi và nói rằng họ muốn thử ăn côn trùng. Do lượng khách hàng có nhu cầu này tăng cao nên chúng tôi phải sắp lịch phục vụ lần lượt.”
Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc, côn trùng là nguồn cung cấp dồi dào chất béo, protein, vitamin, chất xơ và khoáng chất. Ngoài ra, nuôi côn trùng thải ra lượng khí nhà kính ít hơn so với chăn nuôi gia súc.
“Các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Campuchia , Lào đã có nhiều thế hệ người dân ăn côn trùng. Đó là một phần trong chế độ ăn uống của họ. Tuy nhiên ở Singapore thì đây là điều mới mẻ. Giờ là lúc chúng ta cần thuyết phục người tiêu dùng ăn côn trùng vì chúng vừa thơm ngon vừa có giá trị dinh dưỡng cao.”
Singapore đã đặt mục tiêu tự cung cấp 30% nhu cầu thực phẩm trong nước vào năm 2030. Tiến sĩ Paul Teng cho rằng côn trùng sẽ góp phần giúp Singapore đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, việc thuyết phục người dân đưa côn trùng vào chế độ ăn vẫn là một thách thức và Singapore cần phát triển các cơ sở nuôi côn trùng đáp ứng tiêu chuẩn trong nước để nguồn protein thay thế này có giá cả phải chăng hơn.
Thái Kim