Theo ước tính, lượng thực phẩm bị vứt bỏ hằng năm ở Australia lên tới 7,6 triệu tấn, trị giá hơn 36,6 tỷ đô-la Australia (tức hơn 564 ngàn tỷ đồng Việt Nam).
Nhằm chống lãng phí thực phẩm, Australia đã triển khai nhiều sáng kiến, trong đó chương trình “Quản gia rác” ở thành phố Melbourne đang được nhiều người dân, doanh nghiệp ủng hộ.
Mỗi ngày, anh S’Moe Blow đều đạp xe đến các nhà hàng, quán bar quanh thành phố Melbourne để thu gom thức ăn thừa và rác thải hữu cơ, rồi chuyển đến điểm tái chế.
“Công việc này đã giúp tôi có lý do để thức dậy vào mỗi buổi sáng và xác định được mục tiêu để phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống.”


Anh S’Moe Blow từng bỏ dỡ việc học hành, do đó gặp rất nhiều khó khăn khi xin việc làm. Nhờ tham gia chương trình “Quản gia rác” mà cuộc sống của anh giờ đây đã ổn định hơn. Được triển khai cách đây chừng 1 năm, chương trình đã thu hút hàng chục doanh nghiệp địa phương tham gia. Họ tuyển dụng những người có hoàn cảnh đặc biệt, rồi cung cấp xe đạp, thay vì xe cơ giới, để các nhân viên này đi thu gom các loại rác thải hữu cơ từ các nhà hàng, quán ăn tại Melbourne. Chất thải sau đó được xử lý và dùng sản xuất phân hữu cơ để bón cho cây trồng trong công viên và các khu vườn quanh thành phố.
“Thành phố Melbourne có mức lãng phí thực phẩm hữu cơ nói chung cao nhất Australia do sở hữu số lượng nhà hàng và khách sạn nhiều nhất cả nước.”
Theo số liệu thống kê của chính phủ Australia, người dân nước này đã vứt bỏ khoảng 7,6 triệu tấn thực phẩm trong chuỗi cung ứng và tiêu dùng mỗi năm. Theo đó, bình quân mỗi người bỏ phí chừng 312 kí-lô-gam thực phẩm một năm. Hay nói cách khác, cứ 5 túi thực phẩm thì có 1 túi bị vứt bỏ, khiến mỗi hộ gia đình hao tổn từ 2.900 đến 3.700 đô-la Australia mỗi năm.


Chương trình “Quản gia rác” đã góp phần cắt giảm lượng rác hữu cơ lên đến 100 tấn trong năm qua. Theo kế hoạch, dự án này sẽ kết thúc vào tháng 7 tới. Ngoài những lợi ích về kinh tế, môi trường, chương trình còn tạo cơ hội cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn học nghề, và tìm được những việc làm thích hợp.
“Đây là một chương trình hữu ích, giúp các bên đều có lợi.”
Theo các nhà hoạt động môi trường, việc lãng phí thực phẩm gây nhiều tác động, bởi cùng với việc vứt bỏ thức ăn, người ta cũng bỏ luôn bao bì, hộp đựng, nhất là các loại sản phẩm đóng gói bằng nhựa dùng 1 lần. Vì vậy, chương trình này đang mang đến những lợi ích thiết thực cho cộng đồng, và cho cả hành tinh xanh.

Tường Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *