Bhutan được mệnh danh là “Shangri-La hay thiên đường cuối cùng” nhờ vào các thắng cảnh tự nhiên và sức hấp dẫn về mặt tâm linh. Vương quốc trên dãy Himalaya này đang thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ số lượng du khách trong khi nâng cao chất lượng dịch vụ để phát triển du lịch bền vững.
Mở cửa đón khách du lịch nước ngoài cách đây chừng 50 năm, Bhutan đã trở thành điểm đến nổi tiếng, với số lượng du khách hằng năm tăng đều đặn, đạt mức 350.000 lượt người, tính đến năm 2019. Trước những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nước này đang tìm cách hồi sinh ngành du lịch, song không chạy theo số lượng, mà tập trung vào chất lượng dịch vụ, nhằm bảo tồn các di sản tự nhiên nổi tiếng của đất nước.
Hiện các điểm tham quan và số lượng khách du lịch ở Bhutan đang được quản lý chặt chẽ. Tất cả du khách, ngoại trừ người Ấn Độ, Bangladesh và công dân Maldives, cần phải đăng ký thị thực trước khi đến nước này. Ngoài ra, khách du lịch còn phải có hướng dẫn viên được cấp phép đi cùng trong suốt thời gian lưu trú. Bhutan còn tính phí phát triển bền vững, ở mức 100 đô la Mỹ mỗi người/ngày, nhằm tài trợ cho các dự án bảo tồn và phát triển của đất nước. Mức phí này cao gấp đôi trước đây, khiến không ít du khách phải cân nhắc khi đến “đất nước hạnh phúc nhất thế giới”. Do dó, hiện du khách đến Bhutan chủ yếu là người Ấn Độ và người lớn tuổi từ các nước phương Tây.
“Có sự thay đổi về du khách. Số ngày họ lưu lại nhiều hơn, sức chi tiêu cũng đã tăng lên. Theo tôi, việc nâng cao tiêu chuẩn và dịch vụ của ngành du lịch, cung cấp thực phẩm chất lượng tốt hơn đang phát huy hiệu quả.”
Theo giới chuyên môn, Bhutan cần có thêm nhiều biện pháp như nâng cấp kết cấu hạ tầng, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, tăng cường quảng bá các điểm đến để giúp chính sách du lịch chất lượng cao – số lượng thấp thành công hơn.

Tường Vân   

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *