Vừa qua, người dân ở vùng Cusco, miền Nam Peru đã chung tay bện những sợi dây thừng bằng cỏ để nối lại cây cầu treo nổi tiếng Q’eswachaka. Hoạt động này còn nhằm gìn giữ một di sản văn hóa và gắn kết cộng đồng.
Cứ đến tháng 6 hằng năm, cộng đồng người bản địa Quechua ở vùng Cusco lại cùng nhau bện những sợi dây thừng bằng cỏ Q’oya.
Phụ nữ kết sợi cỏ để tạo ra những sợi dây nhỏ, còn đàn ông bện dây nhỏ lại với nhau thành dây thừng lớn. Đây là truyền thống đã có từ cách đây hơn 500 năm trong thời Inca. Những sợi dây thừng này được dùng để làm cầu treo Q’eswachaka dài 29 mét bắc qua sông Apurimac.
Cứ sau 1 năm, cây cầu cũ đã mục lại được gỡ bỏ để thay thế bằng cầu mới nhằm bảo đảm an toàn.
Hoạt động này thường kéo dài 4 ngày. Ngày đầu tiên là ngày thu hoạch cỏ, bện dây thừng. Những ngày tiếp theo dành cho việc gỡ dây thừng cũ và nối dây mới. Đối với người dân nơi đây, bện lại cầu Q’eswachaka là một truyền thống văn hóa quan trọng.
“Đây là niềm tự hào của chúng tôi. Cả cộng đồng cùng nhau thực hiện công việc này. Khi bện lại cầu Q’eswachaka, chúng tôi như được trở về thời quá khứ.”
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận “Kiến thức, kỹ năng và phong tục bện lại cầu Q’eswachaka hằng năm” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tuấn An