Chiều tối 24/12, theo giờ Việt Nam, tàu thăm dò Mặt trời Parker của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã bay gần Mặt trời hơn bất kỳ vật thể nhân tạo nào khác. Đây được xem là một cột mốc quan trọng trong sứ mệnh nghiên cứu bầu khí quyển của Mặt trời.

Ảnh minh họa

Theo NASA, tàu thăm dò Parker, có kích thước tương đương một chiếc ô tô nhỏ, đã đến vị trí cách bề mặt Mặt trời hơn 6 triệu km vào lúc 11 giờ 53 phút ngày 24/12 theo giờ GMT, tức 18 giờ 53 phút tối 24/12 theo giờ Việt Nam.

Các nhà khoa học theo dõi sứ mệnh sẽ tạm mất liên lạc với tàu thăm dò Parker khi tàu ở gần Mặt trời và phải đợi đến ngày 27/12 mới có thể nhận được tín hiệu trở lại nếu tàu vẫn hoạt động bình thường. Trong trường hợp mọi việc diễn ra suôn sẻ, những hình ảnh đầu tiên của lần tiếp cận Mặt trời này có thể được tàu Parker truyền về Trái đất vào tháng sau.

Tàu thăm dò Parker được thiết kế để chịu được nhiệt độ hơn 930 độ C, do đó có thể tiếp cận Mặt trời để nghiên cứu phần ngoài cùng của bầu khí quyển Mặt trời, còn được gọi là vành nhật hoa. Sứ mệnh của tàu Parker không chỉ đánh dấu một bước tiến trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không vũ trụ mà còn giúp các nhà khoa học tìm hiểu tại sao vành nhật hoa lại nóng hơn bề mặt Mặt trời hàng trăm lần, hay cách các cơn bão hình thành trên bề mặt Mặt trời và giải phóng luồng hạt điện tích tác động đến Trái đất./.

Thái Kim

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *